
Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm (Foodbank) Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, Foodbank Vĩnh Long, hệ thống siêu thị Foodshare Market và Mạng lưới nông dân Farmers Vietnam triển khai chương trình “Cam xanh nghĩa tình”, mở ra hướng tiếp cận bền vững, kết nối người sản xuất – người tiêu dùng – cộng đồng yếu thế thông qua mô hình nông nghiệp chia sẻ, dựa trên nền tảng số và tinh thần trách nhiệm xã hội (https://camxanh.vn)
Nền tảng trực tuyến camxanh.vn đóng vai trò trung tâm, cho phép người tiêu dùng đặt mua cam sạch đạt chuẩn từ nhà vườn, hợp tác xã, đồng thời lan tỏa tinh thần tương trợ và kết nối cộng đồng.
Điểm đặc biệt của chương trình là ngoài việc mua để sử dụng, người dân còn có thể đặt mua để tặng cho các mái ấm, viện dưỡng lão, cơ sở bảo trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ và hệ thống thụ hưởng của mạng lưới Foodbank Việt Nam. Đây là mô hình gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với hoạt động thiện nguyện thiết thực, thể hiện tinh thần nhân văn theo hướng nông nghiệp kinh tế sẻ chia.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Yến Phương cho biết, chương trình “Cam xanh nghĩa tình” không chỉ dừng lại ở việc giải cứu nông sản mà còn góp phần lan tỏa những giá trị sẻ chia, trách nhiệm và kết nối giữa người dân và cộng đồng. Người dân không chỉ mua một trái cam mà là mua cả sự an tâm, sự tử tế và nghĩa tình gửi gắm trong đó. Cùng với việc đưa vào vận hành mô hình Foodbank Vĩnh Long, chúng tôi mong muốn qua Dự án Cam xanh nghĩa tình sẽ mở ra cách làm sáng tạo, bền vững hơn, từ đó thu hút sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội, giúp cộng đồng một cách lâu dài hơn”.
Theo Chủ tịch sáng lập mạng lưới Foodbank Việt Nam Nguyễn Tuấn Khởi, nếu trước đây việc hỗ trợ nông dân chủ yếu mang tính ngắn hạn thì nay, chương trình hướng tới xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, kết nối người sản xuất có trách nhiệm, người tiêu dùng thông minh và cộng đồng thiện nguyện. “Cam xanh nghĩa tình" sẽ là mô hình mẫu để từ đó có thể nhân rộng ra với nhiều loại nông sản khác trong tương lai”.


Cùng với tiêu thụ cam tươi, chương trình còn định hướng thành lập các hợp tác xã chế biến sâu, phát triển các sản phẩm từ cam như tinh dầu, mứt, nước ép…; đồng thời gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho trái cam miền Tây.
Với nền tảng trực tuyến https://camxanh.vn, người dân trên cả nước dễ dàng tiếp cận thông tin minh bạch về sản phẩm, nhà vườn, đồng thời thuận tiện đặt mua – từ vài ký cam cho gia đình đến những đơn hàng lớn phục vụ công tác xã hội, thiện nguyện.
Chương trình “Cam xanh nghĩa tình” là bước đi thiết thực trong việc chuyển hóa mô hình “giải cứu” mang tính ngắn hạn sang một mô hình kết nối bền vững – nơi trái cam không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là biểu tượng của sự sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng.