Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh
Từ 1.1.2025, người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao thuộc danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được ban hành tại Phụ lục I Thông tư số 01/2025/TT-BYT có thể đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị mà không cần phải xin giấy chuyển viện như trước đây.
Theo Vụ BHYT, Bộ Y tế, sau 3 tháng triển khai, trên hệ thống 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh đã ghi nhận được kết quả rất tích cực với phản hồi tốt từ các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như từ phía người bệnh. Trong đó, nhiều quyền lợi cho người bệnh đã được bảo đảm, thủ tục thông thoáng hơn, được bệnh nhân đón nhận một cách tích cực.
Chuyên viên cao cấp Vụ BHYT (Bộ Y tế) Đoàn Quốc Dân cho biết, hiện nay, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản (dưới 50 điểm tính trên thang điểm 100) người dân sẽ được chi trả 100% mức hưởng. Đến 1.7.2026, khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản (từ 50 điểm đến dưới 70 điểm); người dân sẽ Quỹ BHYT thanh toán 50% mức hưởng, thay vì không được chi trả như hiện nay.

Tiếp tục lắng nghe, giải đáp vướng mắc của người dân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm lợi ích cho người bệnh
Theo Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Dương Tuấn Đức, năm 2024, cả nước có gần 10.000 trạm y tế; 1.300 phòng khám; 437 bệnh viện chuyên khoa và 1.119 bệnh viện đa khoa đăng ký khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, cơ sở ngoài công lập đăng ký tăng dần qua các năm; năm 2018 là 647 cơ sở, tăng lên 1.132 cơ sở vào năm 2024.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang chia sẻ, chưa có thống kê cụ thể về tình trạng quá tải tăng, chưa xảy ra đột biến nào về quá tải bệnh nhân ở tuyến trên nhưng ghi nhận bước đầu cho thấy, lượng bệnh nhân ổn định và những bệnh nhân đang được điều trị theo diện chuyển tuyến/năm vẫn tiếp tục được điều trị mà không phải quay về tuyến cơ sở ban đầu.
Về việc những bệnh phổ biến như ung thư gan, phổi, vú, trực tràng, tuyến tiền liệt, tuyến giáp... không có trong danh mục 62 bệnh hiểm nghèo được ưu tiên chuyển tuyến; bà Trần Thị Trang giải thích, phần lớn những bệnh lý này, các cấp cơ bản đều chẩn đoán và điều trị được, nên không có nghĩa mọi loại bệnh lý ung thư đều lên cấp chuyên sâu.
Trong trường hợp vượt quá năng lực trong quá trình điều trị đã có danh mục các bệnh được chuyển một năm và cơ sở khám, chữa bệnh cấp dưới sẽ chuyển người bệnh lên cấp trên để có thể chẩn đoán và điều trị tiếp; người bệnh khi đã được điều trị ổn định sẽ về cấp cơ bản.
Trong các quy định hiện hành cũng chỉ ra rất rõ ràng, cơ sở khám, chữa bệnh ở cấp trên chủ động trao đổi và nắm bắt khả năng, năng lực điều trị của cơ sở cấp ban đầu để có thể chuyển người bệnh về một cách phù hợp.
Bộ Y tế cho biết, hiện các bệnh viện chuyên sâu như Bạch Mai, Việt Đức, K đã ký kết chuyển giao kỹ thuật và đào tạo với nhiều bệnh viện tuyến cơ bản. Với những trường hợp cấp cứu có thể hội chẩn từ xa giúp nâng cao chất lượng cho các tuyến, giảm tải cho tuyến trên.
Được biết, Bộ Y tế đang rà soát bổ sung một số bệnh "xứng đáng" được vượt lên cấp cao hơn để người bệnh được điều trị kịp thời hoặc loại bỏ những bệnh mà ở cấp cơ bản đã có thể điều trị. Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục lắng nghe, giải đáp những vướng mắc của người dân và cơ sở khám, chữa bệnh để tháo gỡ kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người bệnh.