- Qua giám sát chuyên đề, ông có thể cho biết kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua?
- Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tạo được chuyển biến trên nhiều mặt.
Cụ thể, hàng năm các đơn vị, địa phương đều xây dựng, ban hành và triển khai chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng những việc làm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định, trình tự, tiêu chuẩn và định mức; tiết kiệm triệt để các khoản chi, cắt giảm, những hoạt động không cần thiết, tiết kiệm hơn 1.909 tỷ đồng kinh phí thường xuyên giai đoạn 2016 - 2021.
Ngoài ra, công tác lập kế hoạch và phân bổ kế hoạch đầu tư công cơ bản đảm bảo trình tự, đúng quy định. Công tác thẩm tra, phê duyệt, quyết toán các công trình, dự án xây dựng được thực hiện hiệu quả, cắt giảm hơn 177 tỷ đồng; hoạt động đầu tư được thắt chặt và thực hiện theo hướng ưu tiên xây dựng các công trình quan trọng, bức thiết, hạn chế lãng phí; bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia được đảm bảo, cắt giảm các thủ tục, khởi công, động thổ, khánh thành công trình để tiết kiệm kinh phí.
Đối với công tác quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà và đất công vụ, các công trình công cộng, rà soát, sắp xếp, xử lý, mua sắm, sử dụng tài sản công, xử lý tài sản tại các dự án sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết thúc có nhiều chuyển biến tích cực.
Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bước đầu tinh gọn, giảm biên chế gắn liền với bố trí việc làm phù hợp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tài chính. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đã chú trọng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, rừng, biển và đảo, khoáng sản, năng lượng tái tạo. Tăng cường quản lý, chuyển đổi mô hình hoạt động tài chính, sản xuất, kinh doanh, sử dụng lao động, đóng nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát được chú trọng, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm, kiến nghị khắc phục những bất cập về chính sách, pháp luật hiện hành.
-Bên cạnh những kết quả trên, Đoàn đã giám sát và phát hiện những tồn tại, hạn chế nào trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thưa ông?
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị, địa phương trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định...
Đó là công tác tuyên truyền phổ biến còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, thực hiện chưa nghiêm, chế độ báo cáo còn chậm, nội dung sơ sài; việc phân bổ và giao dự toán chưa sát với nhu cầu thực tế; quản lý thu, chi ngân sách không đồng đều, thiếu tính bền vững; chậm phê duyệt quyết toán; kế hoạch đầu tư công chưa sát tình hình, còn bị điều chỉnh, kéo dài; tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, tính khả thi còn hạn chế.
Nhiều dự án đầu tư giữ đất, chậm triển khai, chưa thu hồi, nhiều trụ sở cũ, khu đất “vàng” bị bỏ hoang; cấp phép, khai thác, chế biến khoáng sản chưa sâu, hiệu quả chưa cao; diện tích rừng sử dụng không đúng mục đích; chậm phê duyệt đề án vị trí việc làm; sắp xếp, bố trí phương án chuyển đổi vị trí công tác còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, tình trạng thừa, thiếu cục bộ nhân lực; công tác phòng ngừa, tự kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, xử lý còn thiếu kiên quyết.
- Thưa ông, Đoàn đã có những đề xuất gì đối với các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới?
- Sau giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung những vướng mắc trong chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai thực hiện đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý các vi phạm; quan tâm xây dựng kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, từng việc. Cùng với đó, tổ chức thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đúng nội dung, mục đích, yêu cầu; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, các tổ chức đoàn thể, phát huy dân chủ tại cơ sở.
Việc Quốc hội giám sát tối cao sẽ góp phần để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả, phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông!