Dẫn báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nêu tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết cần những giải pháp gì để nhanh chóng bổ sung và nâng cao trình độ nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong nước, đồng thời có thể hội nhập, làm việc trong ngành du lịch các nước và lao động các nước Đông Nam Á có thể đến làm việc tại Việt Nam?
Thừa nhận nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đang thiếu hụt sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhân lực ngành du lịch được cơ cấu thành 3 loại: lao động làm tại các cơ sở lưu trú (chiếm 70%); lao động làm lữ hành (chiếm 20%); lao động làm các nhiệm vụ khác trong các đơn vị văn phòng, phục vụ (chiếm 10%).
“Hiện nay cần tập trung đào tạo và tự thân người lao động cũng phải cố gắng nâng cao kiến thức”. Nhấn mạnh như vậy, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang quản lý 8 trường cao đẳng du lịch, đào tạo rất bài bản và sinh viên ra trường đều được các doanh nghiệp nhận. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng có cơ sở đào tạo riêng.
Theo Bộ trưởng, cần đa dạng hóa loại hình đào tạo và tổ chức thi tay nghề. Hiện Bộ đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức các hội thi tay nghề; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đánh giá về nghiệp vụ, hướng đến tiếp cận tiêu chuẩn nghề trong Đông Nam Á về lĩnh vực du lịch.
Thời gian qua, công tác đào tạo, quản lý những người làm thuyết minh, hướng dẫn viên đã được quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ này làm tốt vai trò kết nối, quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, giáo dục truyền thống. Ghi nhận kết quả này, song ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng chỉ rõ, thực tế còn chưa chặt chẽ trong quản lý hướng dẫn viên tại các điểm đến.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên, để không chỉ tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được phát huy tối đa vai trò truyền thông kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam và giáo dục truyền thống, mà đồng thời không bỏ ngỏ công tác quản lý hướng dẫn viên Việt Nam cũng như hướng dẫn viên nước ngoài?
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, theo Luật Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam là đơn vị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đối với hướng dẫn viên quốc tế; còn hướng dẫn viên trong nước sẽ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương cấp khi đạt đủ các yêu cầu theo quy định.
Thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua có một số công ty, một số điểm đến do thiếu nguồn nhân lực nên đã sử dụng hướng dẫn viên không đạt chuẩn trình độ, cá biệt một số trường hợp sử dụng người ngoài ngành dẫn tới giới thiệu sai về các sản phẩm du lịch, thậm chí sai về kiến thức văn hóa, lịch sử, Bộ trưởng cho biết, sau khi phát hiện những vụ việc này, Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu chấm dứt việc sử dụng các nhân lực như vậy; đề nghị, nếu còn xảy ra trường hợp cố tình vi phạm và gây ảnh hưởng, Bộ sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ, cần tăng cường đào tạo, cấp chứng chỉ đạt chuẩn cũng như công tác kiểm tra, thanh tra; phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ các điểm đến, bảo đảm đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu, làm tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng tin học, thiết bị công nghệ để giảm bớt áp lực cho hướng dẫn viên.