Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu
Theo Báo cáo mới đây của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 27.10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh mới đạt 48,1%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (53%). Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm là do thiếu hụt nguồn thu tiền sử dụng đất, thủ tục đầu tư kéo dài, GPMB, xử lý tài sản công, phòng cháy, chữa cháy… Trong phiên thảo luận tại kỳ họp, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: trong bối cảnh số thu tiền sử dụng đất giảm mạnh so với dự toán đầu năm, bên cạnh việc tăng các khoản thu còn dư địa để bảo đảm hoàn thành dự toán thu năm 2023, UBND tỉnh cũng đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn vốn đầu tư công. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Cùng với bổ sung, điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, các ngành, địa phương tập trung quyết liệt cho việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong nội dung này. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành liên quan rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng các báo cáo, tờ trình trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Bởi, đây là nguồn nội lực, động lực, trụ cột cực kỳ quan trọng, kiến tạo tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư xã hội... Do đó, càng phải cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương liên quan trong từng khâu công việc; lấy kết quả, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023.
Phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất
Tại kỳ họp, các đại biểu đã thống nhất, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn đầu tư công cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn để phấn đấu đến ngày 31.12 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch. Theo đó, đối với kế hoạch vốn năm 2023, HĐND tỉnh quyết nghị: bổ sung kế hoạch ghi thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ghi chi tiền giải phóng mặt bằng nhà đầu tư ứng trước theo quy định của Luật Đất đai; điều chỉnh dự toán chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ không còn nhu cầu, bổ sung cho các nhiệm vụ phát sinh; điều chỉnh dự toán chi đầu tư phát triển của 11 dự án và Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
HĐND tỉnh cũng thống nhất nguyên tắc bù đắp hụt thu tiền sử dụng đất sử dụng từ các nguồn dự toán chi thường xuyên chưa phân bổ, không còn nhu cầu sử dụng, nguồn tăng thu, kết dư ngân sách năm 2022 chuyển sang và các nguồn hợp pháp khác theo quy định tại Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26.12.2022 của Bộ Tài chính về thực hiện dự toán ngân sách năm 2023. Đồng thời, UBND tỉnh tăng cường các giải pháp điều hành ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách cao nhất đã đề ra trong các Nghị quyết của HĐND tỉnh, giảm thấp nhất số hụt thu ngân sách; căn cứ vào số hụt thu thực tế năm 2023 để có biện pháp điều hành nguồn bù đắp phù hợp.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách cấp tỉnh, trên cơ sở tuân thủ theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 76/NQ-HĐND ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh đã thống nhất quyết nghị điều chỉnh: giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của 2 dự án trụ sở công an xã dừng triển khai thực hiện theo lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập 2 xã Việt Dân, Tân Việt (thị xã Đông Triều) theo chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 1 chương trình, nguồn vốn hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm và 2 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bổ sung danh mục và kế hoạch vốn cho 6 dự án khởi công mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Các đại biểu nhấn mạnh, trên cơ sở nguồn vốn điều chỉnh, phân bổ, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nhưng dừng triển khai, để đăng ký giảm kế hoạch; khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án đã được đưa vào kế hoạch trung hạn còn chậm, hiện còn 28 dự án chưa xong thủ tục phê duyệt dự án.