Theo đó, bệnh nhân C.A.P (43 tuổi) được chuyển đến khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng tự thở nhưng rối loạn tri giác, lừ đừ, mờ mắt.
Kết quả xét nghiệm cho thấy anh P. có tình trạng toan chuyển hóa nặng, tổn thương thận cấp. Nồng độ methanol trong máu và nước tiểu đo được là 90,69 mg/Dl (trong khi đó chỉ số trên 25 mg/Dl được xem là ngộ độc).
Theo người nhà anh P., ngày 16.4, anh cùng người thân ăn cơm và có uống rượu ngâm chuối hột. Anh P. không say, về nhà nghỉ ngơi. Tối cùng ngày, bệnh nhân có triệu chứng mệt.
Ngày hôm sau, anh bị nôn ói nhiều và nhập viện ở một bệnh viện tại Bình Dương. Bác sĩ nghi ngờ anh ngộ độc rượu và cho chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu cho bệnh nhân, trải qua quá trình lọc máu ngắt quãng cho người bệnh và sau khi lọc máu lần 1, anh P. đã tỉnh táo, mắt nhìn rõ, đi tiểu nhiều, toan chuyển hóa và tình trạng suy thận cũng đã cải thiện.
Theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Khánh - Phó khoa bệnh Nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, nếu được phát hiện điều trị kịp thời thì sau khi lọc máu 24 giờ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện tốt, xem như bệnh nhân vượt qua giai đoạn nguy kịch và có thể xuất viện trong 1 đến 2 ngày sau.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ngộ độc rượu nào cũng may mắn như trường hợp này, với các biến chứng do ngộ độc rượu gây ra có thể làm cho bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn và tử vong nhanh ngay sau đó.