
Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam cho biết: cầu nối AVF đóng vai trò như “đường dẫn máu” đối với người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ. Đây là cầu nối giữa động mạch và tĩnh mạch được tạo ra nhờ phẫu thuật, giúp tạo ra một đường tiếp cận mạch máu có lưu lượng đủ lớn để bảo đảm hiệu quả lọc máu.
Ưu điểm nổi bật của cầu nối AVF là độ bền cao, có thể sử dụng trong nhiều năm, ít nguy cơ nhiễm trùng, đông máu, hẹp hoặc tắc nghẽn. Kỹ thuật giúp cung cấp lưu lượng và tốc độ máu ổn định, giúp quá trình chạy thận an toàn và hiệu quả hơn so với các phương pháp tiếp cận mạch máu khác.
Tuy nhiên, trong quá trình lọc máu, người bệnh có thể gặp một số biến chứng của cầu nối như: hẹp, phồng, giả phồng, nhiễm trùng, vỡ… cầu nối AVF. Từ đó gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu và hiệu quả của quá trình lọc máu. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nhằm duy trì chức năng của cầu nối là rất quan trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam, nguyên nhân gây hẹp cầu nối AVF có thể do quá sản nội mạc, xơ hóa thành mạch, xơ vữa thành mạch, huyết khối bám thành. Khi tình trạng hẹp xảy ra, lưu lượng máu qua cầu nối giảm, làm suy giảm hiệu quả lọc máu, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn và nguy cơ nhiễm độc do quá trình đào thải chất thải không được bảo đảm. Khi xảy ra tình trạng hẹp cầu nối AVF thì can thiệp là một phương pháp tiếp cận hiệu quả. Can thiệp nong bóng hoặc đặt stent giúp tái thông máu, duy trì độ bền của cầu nối, giảm chi phí và hạn chế can thiệp phẫu thuật.
Việc theo dõi và can thiệp sớm giúp duy trì chức năng cầu nối, bảo đảm hiệu quả lọc máu. Để xử lý tình trạng hẹp cầu nối AVF, các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã áp dụng kỹ thuật can thiệp nong bóng tái thông mạch để điều trị.
Đây là phương pháp can thiệp nội mạch xâm lấn tối thiểu, giúp tái thông dòng chảy bằng cách sử dụng bóng nong mạch hoặc đặt stent để mở rộng vị trí bị hẹp. Kỹ thuật giúp người bệnh duy trì liệu trình chạy thận ổn định, giảm thiểu nguy cơ phải tạo cầu nối mới, giúp họ có một cuộc sống chất lượng hơn và đem lại nhiều lợi ích như: giúp cải thiện lưu lượng máu ngay lập tức, đảm bảo quá trình lọc máu không bị gián đoạn; không cần phẫu thuật lớn, giảm nguy cơ biến chứng và thời gian hồi phục nhanh chóng; giúp kéo dài tuổi thọ của cầu nối, hạn chế việc phải tạo cầu nối mới…