Điển hình, ngày 7.4, Bệnh viện Trung ương Huế thông tin, tiếp nhận 4 bệnh nhân là vận động viên bị ngã quỵ trong quá trình tham gia Giải chạy marathon. Trong đó, có một bệnh nhân nữ đã tử vong, một bệnh nhân nam đang tiếp tục được theo dõi và 2 ca nhẹ đã xuất viện.
Khi tham gia giải chạy, vận động viên N.T.P bị ngã quỵ, sau đó được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Người bệnh nhập viện trong tình trạng ngưng tim. Mặc dù bệnh nhân được thở máy qua nội khí quản, nhưng tình trạng không có dấu hiệu phục hồi nên gia đình xin đưa về và đã tử vong sau đó.

Theo các chuyên gia, luyện tập thể thao rất hữu ích, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc vận động quá sức hay tập thể dục quá sức có thể phản tác dụng, khiến cơ thể phải đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm. Cụ thể:
Nhịp tim bất thường, bị rối loạn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tập luyện thể thao với cường độ lớn và trong thời gian dài đòi hỏi một sức bền thường xuyên hơn bình thường. Hệ lụy gây ra trực tiếp với sức khỏe là tim bị “ngộ độc”, các cấu trúc cơ tim thay đổi “vĩnh viễn”.
Sự thay đổi này trở thành nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nhịp tim rối loạn và biến đổi thất thường, gia tăng nguy cơ bị mắc các bệnh về tim hoặc suy tim, đột quỵ,... Với hệ lụy của việc vận động quá sức, khi làm việc hoặc tập luyện thể thao, mỗi người cần cân nhắc và tiến hành theo khả năng của cơ thể.
Khó chịu ở ngực
Nhiều người cho rằng cơn đau thắt ngực đột ngột và dữ dội hơn cơn đau tim. Trên thực tế, một số cơn đau tim có thể bắt đầu theo cách này, nhưng một số khác lại không.
Nhiều người bắt đầu với cảm giác khó chịu nhẹ, bị ép chặt hoặc căng tức ở giữa ngực. Cơn đau có thể diễn ra nhẹ nhàng và biến mất, vì vậy rất khó để phân biệt được điều gì là bất bình thường. Để an toàn, mọi người nên ngừng tập thể dục và tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu triệu chứng này kéo dài hơn vài phút.
Hụt hơi
Cảm giác khó thở bất ngờ kèm theo các dấu hiệu như đau tức ngực khi hoạt động có thể được coi là một trong những dấu hiệu báo trước của một cơn đau tim. Các triệu chứng này có thể xảy ra trước khi mọi người cảm thấy khó chịu ở ngực, hoặc thậm chí có thể xảy ra khi không có cảm giác khó chịu ở ngực.
Chóng mặt hoặc choáng váng
Mặc dù hoạt động thể chất có thể khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi. Trường hợp xảy ra hiện tượng chóng mặt hoặc choáng váng khi tập thể dục, cũng là một dấu hiệu không tốt báo trước cho mọi người. Vì vậy, hãy nghiêm túc xem xét dấu hiệu cảnh báo này và ngừng tập thể dục ngay lập tức.
Cơ thể mất nước trầm trọng
Cơ thể vận động quá sức dễ gây ra tình trạng mất nước. Nếu tình trạng này xảy ra liên tục và không được bổ sung nước kịp thời có thể gây mất nước mạn tính, hại thận, sa sút trí tuệ và một số vấn đề khác.
Hệ miễn dịch suy giảm
Khi cơ thể chịu áp lực nặng về thể chất do hoạt động quá sức, hormone Cortisol tại tuyến thượng thận sẽ được tiết ra. Tuy nhiên khi hàm lượng hormone quá mức cho phép, sẽ gây một số bất lợi đối với sức khỏe, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh hơn.
Xương yếu đi
Dưới sự ảnh hưởng của nồng độ cao Cortisol, mô xương được tích lũy có xu hướng ít hơn so với mô xương bị phân hủy. Đây chính là nguyên nhân khiến hệ lụy của việc vận động quá sức như rạn xương, nứt xương,... xảy ra.
Bên cạnh đó, mật độ xương bị suy giảm cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng về xương khớp bao gồm loãng xương, viêm khớp.
Nguy cơ gặp các chấn thương
Lao động hoặc tập luyện thể thao quá sức, đặc biệt khi chỉ tập trung vào một nhóm cơ có thể dẫn đến các chấn thương thể chất. Có thể kể đến như căng cơ, bong gân, rách gân, viêm gân, gãy xương,...
Bác sĩ khuyến cáo, hệ lụy của việc vận động quá sức có thể xảy ra với bất cứ ai. Do đó, để đảm bảo một sức khỏe tốt nhất, mỗi người không chỉ chủ động tập luyện thể dục thể thao mà còn cần xây dựng một kế hoạch tập luyện khoa học phù hợp.