Yêu cầu bắt buộc để thực thi FTA
Sáng 1.11, Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo tổng kết thực hiện các Thông tư 38/2018/TT-BTC, Thông tư 62/2019/TT-BTC, Thông tư 47/2020/TT-BTC, Thông tư 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính và lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế.
Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, mục đích sửa đổi các văn bản này là tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Cụ thể, dự thảo thông tư mới đã hợp nhất các nội dung hướng dẫn kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các 4 thông tư nói trên và tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian qua.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, tại thời điểm ban hành Thông tư 38 về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu thì các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… chưa được ký kết. Vì vậy đã xuất hiện bất cập trong quản lý xuất xứ hàng hóa, ví dụ cách thức kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp được cấp phép theo mã REX (Hiệp định EVFTA), mã EORI (UKVFTA), CE (Hiệp định ATIGA sửa đổi và Hiệp định RCEP)...
Bên cạnh đó, nhiều yêu cầu quản lý theo cách tiếp cận mới như áp dụng bảo lãnh cho hàng hóa nợ, chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần được bổ sung và hướng dẫn cụ thể để cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý thực hiện. “Việc ban hành thông tư thay thế là yêu cầu bắt buộc để thực thi các FTA và nâng cao hiệu quả quản lý xuất xứ hàng hóa xuất nhập, tạo thuận lợi thương mại”, ông Thành nhấn mạnh.
Tập trung vào bản chất của xuất xứ hàng hóa
Góp ý vào dự thảo Thông tư thay thế 4 thông tư nêu trên, chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) cho rằng, cần thay đổi từ “ngày” thành “ngày làm việc” để phù hợp với luật pháp quốc tế và doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị.
Đối với chứng nhận xuất xứ, sự khác biệt nhỏ không làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng nhận xuất xứ. Theo đó, chuyên gia GATF khuyến nghị cần tập trung vào bản chất của xuất xứ hàng hóa, tức là hàng hóa có đáp ứng các yêu cầu cơ bản về quy tắc xuất xứ không, thay vì nhìn vào sự khác biệt, nhầm lẫn, sai sót nhỏ về giấy tờ, chứng từ. Ngoài ra, sự khác biệt về mã hồ sơ không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đề nghị dự thảo Thông tư cần quy định áp dụng bảo lãnh thuế đối với trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chờ kết quả xác minh từ cơ quan cấp C/0. Đồng thời, cần cụ thể hóa quy định cơ quan hải quan Việt Nam kiểm tra tại biên (nước, nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ) xuất khẩu.