Theo Quyết định này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban soạn thảo; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu làm Thường trực Ban soạn thảo. Thành viên của Ban soạn thảo, ngoài đại diện các bộ, ngành liên quan còn có lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đại diện của 19 tỉnh, thành phố. Việc sửa đổi Nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong quý II.2017.
Việc sửa đổi Nghị định 109 được xem là bước tiếp theo trong công cuộc “cởi trói” cho hạt gạo suốt thời gian dài bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục và điều kiện. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp là việc không thể không làm, nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn.
|
Dự kiến, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 109 sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định do tình trạng mất cân đối cung - cầu. Các ngành chức năng sẽ đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác; từ đó có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp chể biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.
Nghị định 109 ra đời năm 2010 là công cụ có giá trị pháp lý cao nhất đầu tiên điều chỉnh hoạt động kinh doanh một mặt hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nó đã sớm bộc lộ những bất ổn. Chẳng hạn, theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, trong khi đa số nông dân sản xuất lúa theo quy mô nhỏ, siêu nhỏ thì điều kiện để thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo lại chỉ nhắm vào khối lượng, chứ không phải chất lượng gạo xuất khẩu. Điều kiện sản xuất như vậy đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo để hướng vào đáp ứng những nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, Nghị định 109 không yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo có nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, không tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Cuối tháng 11.2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 109 và giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN - PTNT, các cơ quan liên quan đánh giá cụ thể kết quả thực hiện lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua; nghiên cứu việc quy định thực hiện lộ trình này là điều kiện bắt buộc đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 109.
Trước đó, ngày 4.1, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo - quy định đang bị phàn nàn là gây khó doanh nghiệp.
Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam không đạt được mục tiêu đề ra. Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là nông dân.