Tác giả Lại Lâm Tùng (sinh năm 1962) không phải dân hội họa chuyên nghiệp, mà ông đang công tác trong lĩnh vực dầu khí. Có điều, tình yêu hội họa luôn âm ỉ, thôi thúc ông cầm bút. Với tác phẩm Lễ hội Khmer ở Cà Mau, ông đã có ý tưởng sáng tác từ hơn 10 năm trước và được thực hiện trong 8 tháng, với chất liệu bút sắt và màu nước trên nền tranh khổ 100x200cm.
Tác phẩm Lễ hội Khmer ở Cà Mau diễn tả cảnh lễ hội Sene Dolta tại chùa Monivongsa, phường 1, thành phố Cà Mau. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Dịp lễ này được bà con chuẩn bị chu đáo từ dọn nhà, bàn thờ, dâng cúng tổ tiên những món ăn truyền thống. Tuy điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà chọn lễ vật khác nhau nhưng chung quy thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ cha mẹ, tổ tiên.
Tác giả Lại Lâm Tùng chia sẻ, ông là người miền Bắc nhưng sinh sống ở vùng Nam Bộ từ nhỏ, để rồi tự bao giờ đã thấm văn hóa của đất và người nơi đây. Chất văn hóa ấy được phản chiếu qua tác phẩm với hình ảnh kiến trúc của người Khmer Nam Bộ với những chi tiết hoa văn độc đáo, cùng nghi lễ báo hiếu. Tác giả muốn gửi đi thông điệp, hãy trân trọng và gìn giữ truyền thống của cha ông, ngoài vốn văn hóa hữu hình còn là những giá trị tinh thần, ở đây là tình cảm gia đình, hiếu nghĩa...
Xúc động khi giành giải cao nhất cuộc thi vẽ tranh "Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa" lần thứ I - năm 2023, tác giả Lại Lâm Tùng cho rằng hội họa có thể cho di sản một đời sống mới, để giá trị của di sản đến với công chúng theo nhiều cách khác nhau. Vẽ về di sản, vẽ về vốn văn hóa cổ truyền đã có nhiều họa sĩ Việt Nam thực hiện, nhưng vẽ với ý thức truyền tải nét đẹp, giá trị di sản thì chưa nhiều người chú ý. Bởi vậy, cuộc thi giống như "cú hích" để từ đây, hội họa và di sản song hành trên con đường lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; qua đó làm giàu cho di sản, cũng là làm giàu cho hội họa.