Ấn tượng với kỳ họp đầu tiên
- Lần đầu tiên tham gia Quốc hội, bà ấn tượng thế nào về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV này?
- Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV để lại cho tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Việt Nam chúng ta cũng đang trải qua làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ tư với nhiều khó khăn, thách thức hơn. Không chỉ hệ thống y tế mà rất nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, nhiều bộ phận người dân trong xã hội đang phải hứng chịu sự tấn công mạnh mẽ của đại dịch.
Trước khi kỳ họp diễn ra, cá nhân tôi có chung nỗi lo lắng, phân vân như một số đại biểu rằng, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này thì liệu Quốc hội có họp được không, nếu họp thì họp trực tuyến hay tập trung?... Nhưng cuối cùng, như chúng ta đều biết, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới trong bầu không khí đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm cao. Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì thành công của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV là sự khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới.
- Một nội dung rất quan trọng được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp đầu tiên vừa qua là công tác nhân sự. Với những nhân sự được Quốc hội bầu, phê chuẩn lần này, bà kỳ vọng gì vào bộ máy nhà nước trong nhiệm kỳ Khóa XV?
- Các nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này đều là những cán bộ có kinh nghiệm công tác, đáp ứng tiêu chuẩn rất cao về chuyên môn, đạo đức, năng lực lãnh đạo, điều hành. Công tác nhân sự được chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, kỹ lưỡng và được các ĐBQH xem xét, thảo luận rất cẩn trọng, trách nhiệm. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới trong bộ máy nhà nước vừa được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tôi cũng đặt niềm tin và kỳ vọng các vị trí lãnh đạo chủ chốt sẽ tiếp tục có những đóng góp nổi bật vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trước mắt là thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn và đời sống cho người dân.
Trong Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP… Đây là những mục tiêu cao, đầy thử thách đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Song, tôi tin tưởng và kỳ vọng, với sự nỗ lực của Chính phủ, các mục tiêu này sẽ đạt được vì xu thế chung của thế giới hiện nay là kinh tế đang hồi phục, bất kể dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Với Việt Nam, mặc dù kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm GDP đạt 5,64%. Với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm trở lại với tiến trình phục hồi kinh tế và phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp với thế giới.
Đẩy mạnh chiến lược ngoại giao vaccine
Tôi rất ấn tượng với tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội Khóa XV lần này đạt hơn 30% tổng số đại biểu Quốc hội, cao nhất kể từ nhiệm kỳ Khóa VI đến nay. Mới là kỳ họp đầu tiên, nhưng cảm nhận chung là các nữ đại biểu tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chuyên môn cao đối với tất cả các nội dung trong chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này. Điều này khiến cá nhân tôi thấy rất vui mừng và tự hào, bởi đây là bước tiến lớn trong công tác bình đẳng giới của Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc)
- Diễnra trong bối cảnh đặc biệt, bà đánh giá như thế nào về vai trò của Quốc hội đối với công tác phòng chống dịch Covid-19?
- Chủ đề về Covid-19 đã trở thành chủ đề bao trùm toàn bộ nội dung chương trình Kỳ họp thứ Nhất. Các biện pháp phòng, chống dịch cũng như các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới đã được các ĐBQH thảo luận sôi nổi trên nghị trường và bên hành lang kỳ họp.
Cùng với việc hoàn thành các nội dung đề ra, Quốc hội kịp thời bổ sung nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết chung của kỳ họp. Trong đó nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa được quy định trong luật trong thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Tôi nghĩ đó là một quyết định rất kịp thời và cần thiết của Quốc hội nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch, góp phần giúp Việt Nam sớm vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Do yêu cầu của thực tiễn, trong quá trình diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã hai lần điều chỉnh chương trình, rút ngắn 8 ngày so với dự kiến ban đầu và 3 ngày so với chương trình được Quốc hội thông qua trong khi khối lượng công việc không giảm. Điều này được Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong phát biểu bế mạc, đó là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hộiđã bám sát yêu cầu thực tiễn, hành động nhanh nhạy, kịp thời; chia sẻ, sát cánh, đồng hành với cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của Nhân dân.
- Một trong nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay được nhiều ĐBQH đề cập tại các phiên thảo luận, đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược "ngoại giao vaccine”. Bà đánh giá thế nào về hiệu quả của chiến lược này?
- Chúng ta đặt mục tiêu sớm tiêm vaccine cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hằng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch. Phải khẳng định rằng, chiến lược “ngoại giao vaccine” của Đảng, Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, đó là từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine toàn diện trên các lĩnh vực: mua, nhập khẩu vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine. Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ trong các cuộc gặp trực tuyến và trực tiếp cấp cao cả song phương và đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.
Có thể thấy, chiến lược này đã và đang từng bước phát huy hiệu quả. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thông qua rất nhiều cơ chế, như COVAX, hợp tác song phương, đa phương, chúng ta đã nhận được nhiều nguồn viện trợ của các nước trên thế giới, với số lượng cam kết lên đến hơn 140 triệu liều, đóng góp quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Và chính nhờ nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vaccine, chúng ta đã và đang khẩn trương triển khai chiến lược tiêm vaccine cho người dân ở các địa phương, nhất là những địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế và các tỉnh khác theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Rõ ràng, với chiến lược này, chúng ta đang đi đúng hướng trong công cuộc phòng, chống Covid-19. Tôi tin tưởng, trong thời gian tới, hoạt động ngoại giao vaccine sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, góp phần thực hiện đúng và sớm mục tiêu đề ra là đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.
- Xin cảm ơn bà!