Nguy cơ phóng xạ từ các nước láng giềng
Trong năm 2016 này, ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm ngay sát biên giới nước ta vừa đi vào hoạt động với số lượng thiết kế là 18 tổ máy. Cụ thể, các tổ máy đầu tiên có công suất 1.000 MW của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Tây đi vào hoạt động thương mại, các tổ máy 650 MW của nhà máy Xương Giang trên đảo Hải Nam và 600 MW của nhà máy Trường Giang, Quảng Đông đã được kết nối lưới điện quốc gia của Trung Quốc. Được biết, mỗi nhà máy này đều có kế hoạch xây dựng tối đa 6 tổ máy, đều ở vị trí gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam. Vị trí gần nhất là nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khoảng 50km. Chưa kể, hiện các nước láng giềng khác như Thái Lan, Indonesia, Campuchia… đều đã có các koạch phát triển và xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nguy cơ phóng xạ là rất lớn, và càng nguy hiểm hơn là phóng xạ có thể lan xa tới hàng ngàn km, không thể quan sát và nhận biết bằng mắt thường.
Vị trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam. (nguồn: tuoitre.vn) |
Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD)
IAEA khuyến cáo, đối với nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hơn 1.000 MW thì kích thước của các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là (3-5 km), (15-30 km), 100 km và 300 km. Như vậy, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam cũng thuộc khu vực EPD và ICPD đối với một số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ KHCN mới đây, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc cho biết, khoảng cách 50 cây số không nghĩa lý gì nếu sự cố phóng xạ xảy ra. Năm 2011, khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra ở Nhật, ngay lập tức, hai trạm quan trắc là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện KHKT Hạt nhân đo được phóng xạ trong không khí ở Việt Nam. Sự cố Chernobyl trên lãnh thổ Ukraine năm 1986, những đám mây phóng xạ phát tán hàng nghìn km sang tận Thụy Điển. Do đó, cần thiết phải có mạng lưới quan trắc và cảnh báo sớm phóng xạ môi trường để chúng ta có thể chủ động đối phó khi có sự cố, cho dù sự cố đó xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Chưa có mạng lưới vì thiếu kinh phí
Trước lo ngại phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân có thể ảnh hưởng phóng xạ tới nước ta, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết, Cục đã nhận được báo cáo an toàn hạt nhân của Trung Quốc và gửi cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đưa ra các vấn đề để chúng ta có thể chất vấn Trung Quốc tại Hội nghị thường niên của công ước tổ chức tại Viên (Áo). Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987. Bất kỳ một sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo sớm quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam.
Rõ ràng, diễn biến về quá trình phát triển năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân trong khu vực hiện nay đặt ra đòi hỏi phải mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta chưa có được mạng lưới này, cả nước hiện chỉ có có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường đặt ở Đà Lạt và Hà Nội. Đi cùng với đó là một số máy đo phóng xạ nhỏ do các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế tài trợ. Việc xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia thật ra đã được quan tâm và đưa vào quy hoạch xây dựng từ năm 2006. Theo quy hoạch, mạng lưới sẽ bao gồm 1 trung tâm điều hành, 4 trung tâm vùng do Bộ KHCN quản lý, 16 trạm quan trắc địa phương do các tỉnh thành quản lý, 1 hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý. Tuy nhiên, đến nay chưa xây dựng được hệ thống này.
Lý giải về nguyên nhân chưa xây dựng được mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cho biết, việc thiết lập một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia sẽ đòi hỏi một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người. Quy hoạch mạng lưới dự kiến tốn hàng ngàn tỷ đồng. Hiện VINATOM đang xây dựng dự án theo cách phân kỳ: giai đoạn một dự kiến trong năm 2017-2020, giai đoạn hai dự kiến trong năm 2021-2025.
Theo các chuyên gia, mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường không chỉ giúp chúng ta chủ động có được thông tin sớm và ứng phó khi xảy ra các sự cố liên quan đến phóng xạ của các nhà máy điện hạt nhân, kể cả trong trường hợp nước có sự cố không công bố thông tin. Bên cạnh đó, mạng lưới này còn để bảo đảm chúng ta có được các số liệu chính xác, là cơ sở khoa học cho hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm xuất khẩu, trước những lo ngại và đòi hỏi của thị trường quốc tế mỗi khi có sự cố xảy ra ở một vùng nào đó trên thế giới.