“Lỗ chồng lỗ, tiền đâu để nhập hàng?”
Gần một tháng nay, hệ thống 16 đại lý bán lẻ xăng dầu của bà Phương, một thương nhân phân phối xăng dầu có trụ sở ở Hà Nội luôn trong tình trạng buôn bán nhỏ giọt, phải cố cầm cự để không treo biển “ngừng bán”. “Nhiều người cứ nghĩ chúng tôi găm hàng chờ giá lên nhưng thực sự không có hàng để bán”, bà Phương phân trần.
Lý giải điều này, bà Phương cho biết, hiện doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn để nhập hàng từ kho. “Chiết khấu âm quá cao, có lúc lên tới 2.300 đồng/lít, hiện đã hạ xuống quanh 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp chịu lỗ mỗi xe hàng 20m3 từ 30 - 50 triệu đồng. Càng nhập hàng càng lỗ, doanh nghiệp đã cạn kiệt dòng tiền, nhưng nếu không nhập hàng về để cung cấp cho các đại lý sẽ bị lực lượng chức năng tịch thu giấy phép. Chúng tôi đang không biết xoay xở thế nào”, bà Phương lo lắng và cho rằng, nếu tình hình không sớm thay đổi, doanh nghiệp khó có thể cầm cự nổi một tháng nữa!
Chung tình cảnh, một thương nhân phân phối xăng dầu với 14 năm kinh nghiệm, có đại lý ở khắp các tỉnh phía Bắc cho biết, từ tháng 7.2022 đến nay nhận mức chiết khấu 0 đồng, có lúc chiết khấu âm hơn 1.000 đồng/lít tại kho đầu nguồn nên đã bị lỗ 3,6 tỷ đồng, riêng tháng 10 lỗ 1,4 tỷ đồng. “Chúng tôi đã cố gắng tuân thủ yêu cầu của các cơ quan quản lý là phải bán hàng và không được phép đóng cửa. Doanh nghiệp đang ở trong tình cảnh nếu tiếp tục chấp nhận lỗ thì sẽ đáp ứng được nguồn hàng xăng dầu, nhưng tiền ở đâu để mua?”, ông ngậm ngùi.
Đại diện Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phân tích, mấu chốt vấn đề là chưa tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp bán lẻ. Ông phân tích, trong cơ cấu giá xăng dầu có khoảng premium gồm chi phí định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong kỳ điều hành 11.11 vừa qua, liên Bộ Tài chính và Công thương đã điều chỉnh tăng thêm 160 đồng/lít, cộng với mức cũ là khoảng 1.200 đồng/lít thì tổng premium này vào khoảng 1.360 đồng/lít và tính cho toàn bộ chuỗi, từ nhập khẩu đến đầu mối, phân phối, cửa hàng bán lẻ, trong khi thông thường, chi phí bán lẻ chiếm cao nhất cơ cấu bán lẻ, từ 40 - 60%.
“Chi phí định mức hiện nay với cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở mức khoảng 1.500 đồng/lít, nếu muốn có lãi con số này phải được tính cao hơn, nhưng hiện Bộ Công thương mới cho toàn bộ chuỗi ở mức 1.360 đồng/lít là chưa tính đủ. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi khiến đứt gãy nguồn cung, xăng dầu khan hiếm. Nếu không sớm giải quyết vấn đề này, mà chỉ ra quân kiểm tra giấy tờ, đo bể… thì bất ổn về xăng dầu sẽ tái diễn”, đại diện Chi hội Xăng dầu phát biểu.
Phải lấy ý kiến doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bộ Công thương đang trong quá trình lấy ý kiến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, gửi về Bộ trước ngày 20.11.2022. Trước thông tin này, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ đang rất trông chờ!
Cụ thể, các doanh nghiệp cho rằng, giá bán xăng dầu phải dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, kịp thời giá thành xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ, đặc biệt phải tách riêng chi phí cho khâu bán lẻ, xác định tỷ trọng chi phí bán lẻ trên tổng số chi phí để dễ áp dụng. “Vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, độc quyền đầu vào (mỗi đại lý chỉ được lấy hàng từ một nguồn) nên Nhà nước cần ấn định chi phí định mức cho việc bán lẻ xăng dầu, thay vì đánh đồng trong cả chuỗi như hiện nay khiến các doanh nghiệp này chịu thiệt khi bị chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công thương từ tháng 9.2022 nhưng chưa được giải quyết, rất mong sửa đổi Nghị định số 95 tới đây sớm xem xét điều chỉnh”, đại diện Chi hội Xăng dầu VINASME đề nghị.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi cần theo hướng giá thành vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng dầu Việt Nam và các chi phí vận tải xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn một tháng tính một lần. Giá thành của khâu nhập khẩu lấy từ các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có thị phần lớn như Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Sài Gòn Petrol. Chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ, đối với xăng E5 và xăng A95 là 7% giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế; đối với dầu diesel là 6,5%/giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế, như vậy mới đủ bù đắp chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ của doanh nghiệp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị, hiện cả nước có 13.000/17.000 cửa hàng xăng dầu của khu vực tư nhân, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi Bộ Công thương lấy ý kiến sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu, cần lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp này vì đó là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất của chính sách.
Trong lúc chờ đợi sửa Nghị định số 95, các cơ quan quản lý nhà nước cần chia sẻ với doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho vay vốn để các doanh nghiệ lấy hàng. Về phía các thương nhân đầu mối nhập khẩu cũng phải chia sẻ với thương nhân phân phối và các đại lý để tăng mức chiết khấu, qua đó bù đắp một phần chi phí cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Chi hội Xăng dầu VINASME, việc sửa đổi Nghị định số 95 cần bảo đảm 3 mục tiêu. Thứ nhất, phải bảo đảm kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Thứ hai, phải tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, chất lượng đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường và dự trữ lưu thông theo quy định. Thứ ba, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu trong nước trong mọi tình huống bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng quốc gia.