100% các tỉnh, thành phổ tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy
Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, cả nước hiện có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trong đó có 24 cơ sở có Phòng Y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy tại 16 tỉnh, thành phố, chiếm 24,7%.
Về số người nghiện ma túy đang cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện dân lập, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, hiện tại, 15 tỉnh có 261 đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy đủ điều kiện theo quy định. Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức cai nghiện cho 5.696 người (năm 2022 là 3.656 người và 6 tháng đầu năm 2023 là 2.040 người). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề cương hướng dẫn tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và đã gửi các địa phương góp ý, dự kiến ban hành trong tháng 8.2023. Trên cả nước có 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện dân lập, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận cai nghiện tự nguyện cho 3.723 người.
Tỷ lệ các tỉnh, thành phổ tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy là 100%. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến năm 2024-2025 sẽ xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ tư vấn học nghề, tiếp cận vốn vay ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ đã thực hiện công tác nghiên cứu về các bài thuốc phác đồ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy, đặc biệt với nhóm người cai nghiện ma túy tổng hợp, người nghiện sử dụng đồng thời heroin và ma túy tổng hợp. Hỗ trợ về người chuyên môn kỹ thuật y tế để thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tập huấn cấp chứng chỉ cho cán bộ chuyên môn; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xác định tình trạng nghiện trên toàn quốc.
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, Đoàn giám sát ghi nhận các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy; tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống ma túy, thống kê người nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Bộ máy làm công tác phòng, chống ma túy còn nhiềuhạn chế
Có thể thấy, công tác phòng, chống ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, song, theo các thành viên Đoàn giám sát, nguồn lực cho công tác này còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở, ảnh hưởng đến công tác quản lý người sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy còn rất bất cập, hạn chế, nguồn kinh phí thường xuyên Trung ương không tăng chi cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Nguồn kinh phí đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các địa phương đã phân bổ cho các hạng mục theo kế hoạch, do đó, nhiều địa phương đề nghị đầu tư hạ tầng cơ sở cai nghiện không được giải quyết. Kinh phí hỗ trợ của địa phương theo phân cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm nhiều nơi không đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bộ máy làm công tác phòng, chống ma túy còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Trần Thị Thanh Lam cho rằng, số lượng cơ sở cai nghiện ma túy có phòng y tế bảo đảm chất lượng để xác định tình trạng nghiện còn thấp, trong khi nhu cầu xác định tình trạng nghiện cao. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm rõ hướng phối hợp trong giải quyết vấn đề này, đặc biệt là việc bố trí đội ngũ y sĩ, bác sĩ thực hiện công tác cai nghiện. Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động của đội tình nguyện công tác xã hội về phòng, chống ma túy ở các địa phương.
Quan tâm đến phòng, chống ma túy tại các địa bàn có người dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch chỉ rõ, hiệu quả công tác này vẫn còn hạn chế, tình hình ma túy ở các khu vực có diễn biến phức tạp. Vì vậy, các bộ ngành cần quan tâm, chú trọng và làm rõ hơn nữa nội dung này trong báo cáo, đặc biệt cần theo dõi tỷ lệ người nghiện là dân tộc thiểu số từ 12-18 tuổi đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như tự nguyện. Đồng thời, trong các báo cáo cần đánh giá kỹ lưỡng sự phối hợp giữa cơ quan dân tộc ở cấp tỉnh, cấp huyện với các ngành chức năng trong phòng, chống ma túy. Nghiên cứu mô hình cai nghiện riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ, từ những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập, khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy, đặc biệt là công tác cai nghiện tự nguyện, bố trí được đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ cainghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ Y tế chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành những văn bản còn vướng mắc, bất cập trong công tác phòng, chống ma túy. Rà soát sớm ban hành mẫu bệnh án theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy; quy định mức giá thu, chi theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về thuốc và ứng dụng các thuốc điều trị nghiện ma túy, đặc biệt là nghiện ma túy tổng hợp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện, cán bộ làm công tác điều trị nghiện.