Tiếp tục có nhiều đổi mới trong tổ chức giám sát chuyên đề
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp. Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và những năm tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề. Một trong những điểm mới là khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, Nhân dân và Quốc hội tin tưởng giao phó; đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.
Hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ Sáu có sự đổi mới trong cách thức tổ chức chất vấn. Theo đó, các vấn đề chất vấn được nhóm lại thành 4 nhóm lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt câu hỏi và trả lời chất vấn, vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bao quát được các lĩnh vực thuộc phạm vi giám sát. Mặt khác, bên cạnh báo cáo của các cơ quan, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Báo cáo một số vấn đề cần quan tâm trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, góp phần cho việc chất vấn có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong đó, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành thảo luận Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả. Trên cơ sở giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu Đảng đoàn Quốc hội gửi Báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri ngày càng được tăng cường, đổi mới và trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri, Nhân dân.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã chủ động cải tiến, đổi mới, triển khai hoạt động giám sát của mình nhằm thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với các hình thức giám sát đa dạng và có sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức giám sát. Các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát; đáng chú ý, có Đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.
Đề xuất Quốc hội giám sát một chuyên đề trong năm 2025
Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước. Năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.
Để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch, cũng như bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ Chín và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8.2025.
Căn cứ kết quả lựa chọn chuyên đề của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề. Theo đó, chuyên đề 1 là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chuyên đề 2 là về việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao; chuyên đề 3 là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất 2 chuyên đề gồm: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao để trình Quốc hội quyết định lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 1 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.