Với chủ đề "Học tập hôm nay, lãnh đạo ngày mai", các nghiên cứu sinh, học giả và giáo sư Mỹ tham gia chương trình đã giao lưu, trao đổi những vấn đề chuyên môn. Nhiều phiên họp và các buổi thảo luận về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cán bộ cũng đã được tiến hành trong khuôn khổ hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, trong phát triển KHCN, nguồn nhân lực là quan trọng không chỉ cho khoa học mà cho cả sự phát triển của một quốc gia. Trong suốt 14 năm hoạt động, VEF đã xây dựng một mô hình chương trình học bổng hiệu quả. Mô hình này đã giúp lựa chọn những sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất theo học các ngành KHCN tại Hoa Kỳ. Với việc hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là những thách thức khi gia nhập TPP, Việt Nam rất cần những nhà khoa học giỏi đã học tập và làm việc ở những nước phát triển về làm việc và cống hiến để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ mới của Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành và phát triển các Viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Để tạo một môi trường học thuật tiên tiến và điều kiện làm việc ưu đãi, qua đó thu hút các nhà khoa học trình độ cao đã được đào tạo tại các nước phát triển, trong đó có các cựu nghiên cứu sinh và học giả VEF, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Quốc hội và Chính phủ ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành cụ thể hoá các cơ chế chính sách nhằm trong thời gian sớm nhất đáp ứng được nhu cầu làm việc tối thiểu cho các nhà khoa học người Việt và chuyên gia nước ngoài.
Được biết, Quỹ giáo dục Việt Nam là cơ quan chính phủ độc lập được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ năm 2000. Quỹ thiết lập các hoạt động trao đổi giáo dục dành cho công dân Việt Nam khi theo học các chương trình đào tạo sau đại học.