Cho phép người dân di chuyển tự do là một trong các nguyên tắc trụ cột của EU và việc để ngỏ biên giới giữa các nước thành viên là niềm tự hào lớn của liên minh này. Thỏa thuận Schengen, được hợp nhất vào luật EU năm 1997, hệ thống hóa điều này bằng việc cấm mọi hình thức kiểm soát biên giới một cách hệ thống ngoài việc chứng thực giấy tờ đi lại của các cá nhân. Trên thực tế, thậm chí việc kiểm tra theo hệ thống các giấy tờ này cũng được nới lỏng: nhiều nhân viên bảo vệ biên giới chỉ đơn giản liếc qua màu sắc bìa hộ chiếu của người đi qua biên giới.
Tuy nhiên, tư tưởng Hồi giáo thánh chiến truyền bá qua các mạng xã hội trên internet đã khiến châu Âu không còn là một châu lục bình yên. Ngay sau khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria vào mùa xuân năm 2011, hàng loạt thanh niên các nước phương Tây đã lên đường sang quốc gia Trung Đông này để gia nhập lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, theo nhận định mới đây của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), trong bối cảnh Mỹ và đồng minh đang đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào IS ở Iraq và Syria, thì ngay tại sân nhà, an ninh ở các quốc gia phương Tây sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi nhiều tay súng được phái về nước để triển khai kế hoạch tấn công khủng bố và gây rối loạn xã hội.
Thời gian qua, thành công về mặt quân sự đã giúp IS ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các cá nhân cực đoan nước ngoài. Khi tràn qua biên giới Iraq và nhanh chóng chiếm được phần lãnh thổ ở phía Tây và phía Bắc, các tay súng IS đã khôn ngoan sử dụng mạng xã hội để tạo ra một hình ảnh khá lãng mạn với mục tiêu lôi kéo sự tham gia của giới trẻ Hồi giáo tại nhiều nước phương Tây. Điều hiển nhiên là các thanh niên sẽ tự lĩnh hội quan điểm cực đoan trước khi lên đường sang Trung Đông gia nhập lực lượng IS.
Hiện có khoảng 3.000 tay súng đến từ châu Âu tham gia các mạng lưới thánh chiến, làm dấy lên mối lo ngại cho tương lai hòa bình ổn định châu Âu khi họ trở về với tư tưởng khủng bố đã ăn sâu trong tâm trí. Riêng Pháp, quốc gia có cộng đồng theo đạo Hồi đông nhất ở châu Âu, đã có khoảng 1.000 công dân tham gia lực lượng thánh chiến, trong đó 580 người được xác nhận là đã di chuyển từ Pháp để tới Syria và Iraq chiến đấu cho lực lượng này.
Trong bối cảnh đó, Hiệp định Shengen vô hình trung trở thành cầu nối giữa các thanh niên châu Âu có tư tưởng cực đoan dễ dàng xâm nhập các nước trong châu lục, gieo rắc tư tưởng thánh chiến và không loại trừ các mưu toan tấn công khủng bố. Ý thức được hiểm họa đó, tại Hội nghị Bộ trưởng nội vụ EU tổ chức ở Luxembourg mới đây, Pháp và Đức đã kêu gọi sửa đổi Hiệp ước Schengen, đồng thời hối thúc thiết lập hệ thống PNR (lưu trữ tên hành khách) và những biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn tại các sân bay. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đề xuất cần thêm danh mục chiến binh ngoại quốc vào danh sách đối tượng tình nghi của cảnh sát tại biên giới các nước EU, bởi danh sách hiện tại mới chỉ có tội phạm bị truy nã, tội phạm hình sự và người đang trong quá trình điều tra.
Tháng trước, Pháp đã thông qua luật cấm di chuyển đối với các đối tượng trong diện tình nghi, theo đó những đối tượng này bị tịch thu hộ chiếu và chứng minh thư trong vòng 6 tháng và làm mới sau 2 năm. Cảnh sát London (Anh) thông báo đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan tới các hoạt động khủng bố của lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Hiện có khoảng 500 nam công dân Anh tham gia lực lượng thánh chiến ở Iraq và Syria, 103 người đã bị bắt trong năm nay khi trở về từ Syria, trong đó 5 người đã bị tuyên án.
Ngày càng có nhiều quan chức an ninh châu Âu thừa nhận, họ chưa thấy có biện pháp nào để dễ dàng bịt lỗ hổng Schengen. Theo dõi tất cả các chiến binh ngoại quốc vốn đã rất khó và sự thiếu thông tin do nguyên tắc kiểm soát lỏng lẻo của Schengen biến việc này gần như thành bất khả thi.
Tuy nhiên, do vấn đề trên nằm trong luật EU nên việc cải cách Schengen phải mất nhiều năm để thực hiện. Bất cứ sự hối thúc nào cũng sẽ có khả năng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước châu Âu vốn coi nguyên tắc di chuyển tự do là bất khả xâm phạm. Các nỗ lực nhằm tăng cường thu thập thông tin của công dân cũng có thể trở thành liều thuốc độc chính trị ở nhiều phần của châu Âu, sau vụ bê bối nghe lén của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ. Chỉ riêng đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc lập cơ sở dữ liệu EU đối với hành khách cũng đang bị treo tại Nghị viện châu Âu suốt 2 năm qua.