Sự kiện này nhằm thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng 24.9, Chủ tịch EuroCham Việt Nam Bruno Jaspaert nhấn mạnh, cơn bão Yagi vừa qua cho thấy biển đổi khí hậu khiến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, tại GEFE 2024, EuroCham sẽ có những hoạt động cùng với sinh viên để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, chuyển đổi nền kinh tế xanh.
Ông Julien Guerrier, Đại sứ của EU tại Việt Nam, cho biết, GEFE là sự kiện hợp tác hàng đầu của EuroCham tại Việt Nam để hướng đến tăng trưởng xanh hơn, bền vững hơn và là cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp của châu Âu đang đi đầu trong lĩnh vực công và tư nhân trong hướng tới tương lai xanh hơn.
Sau hơn 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu; vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ...
Trong đó, kim ngạch thương, hàng hóa EU - Việt Nam tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần trong hơn 30 năm qua.
“Quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nói tại cuộc họp báo.
Chia sẻ về chương trình, ông Alain Cany, đồng Trưởng ban tổ chức GEFE, kiêm Chủ tịch Ban cố vấn EuroCham Việt Nam, cho biết, sự kiện có cả phần diễn đàn và triển lãm trong 3 ngày, trọng tâm là ngày thứ 3 với sự tham gia của hơn 2.000 sinh viên.
“Với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”, năm nay, GEFE nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bền vững. Chúng tôi cũng kỳ vọng GEFE sẽ có hơn 8.000 người đến tham dự, qua đó, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ trong hành trình này", ông Alain Cany cho biết thêm.
Cũng theo ông Alain Cany, GEFE 2024 sẽ có hơn 200 doanh nghiệp, nhà triển lãm tham gia, trong đó, Việt Nam có 24 doanh nghiệp, riêng Hà Lan là hơn 50 doanh nghiệp cùng với đó có 13 gian hàng quốc gia tại Triển lãm cùng các gian hàng của các doanh nghiệp Starup.
Về phần diễn đàn, sẽ có khoảng 30 hội nghị, hội thảo với 150 diễn giả, các diễn giả chia sẻ thông tin cụ thể và chuyên môn về công nghệ và các vấn đề liên quan chính sách và quy định liên quan đến phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
10 chủ đề trong các phiên thảo luận, hội thảo liên quan đến các vấn đề về chính sách phát triển triển năng lượng, Quy hoạch điện VIII, DPPA, phát triển điện mặt trời mái nhà quy mô lớn, thị trường carbon, cắt giảm khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ chế CBAM, tòa nhà xanh và phát triển công trình xanh; Trách nhiệm của nhà sản xuất trong thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ… Từ đó, có đề xuất kiến nghị để thực hiện các chủ đề này...
Trong khuôn khổ sự kiện, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương sẽ tổ chức Khu gian hàng Việt Nam với sự tham gia của 24 doanh nghiệp đa ngành của Việt Nam nhằm giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giải pháp sản xuất bền vững của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu trong các lĩnh vực, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị giao thương (B2B) giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
Đây được coi là cơ hội rất tốt để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.