Sáng 9.10, Viện Goethe tổ chức họp báo khởi động Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững.
Theo đó, dự án được triển khai năm 2023 - 2024, với sự hợp tác cùng GreenViet, Trung Tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) và các nhà làm phim tài liệu. Chủ đề của năm nay tập trung vào bảo tồn đa dạng sinh học; hành động chống đói nghèo và quyền của phụ nữ; và quản lý rác thải.
Dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững là một dự án đôi bên cùng có lợi cho các tổ chức đang đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu; cũng như các nhà làm phim tài liệu được cung cấp những cảnh quay thú vị và nhân vật để qua đó kể lại những câu chuyện hấp dẫn.
Ba tổ chức phi chính phủ tham gia dự án lần này đang tìm kiếm đội ngũ làm phim. Họ mong đợi được kể những câu chuyện của mình và thể hiện bản thân thông qua các bộ phim tài liệu.
Các nhà làm phim được khuyến khích cung cấp kiến thức và kỹ năng tốt nhất của mình, sử dụng chất liệu do các tổ chức xã hội cung cấp để tạo ra những tác phẩm góp phần thúc đẩy xã hội thực hiện các mục tiêu bền vững toàn cầu.
Các nhà làm phim được khuyến khích hướng tới sản xuất những bộ phim có thể thu hút sự chú ý của quốc tế trong các liên hoan phim tài liệu được thực hiện ở Việt Nam.
Sẽ có 3 bộ phim được lựa chọn sản xuất. Chị Thái Huyền Nga, cán bộ truyền thông của CRED nhấn mạnh: "Thông qua bộ phim, cộng đồng trong nước và quốc tế có thể hiểu rõ hơn về các dự án mà các tổ chức phi lợi nhuận đang thực hiện, đó là các dự án phát triển bền vững 'cho cần câu và kỹ thuật câu, không phải cho con cá', không phải dự án từ thiện".
Viện Goethe có truyền thống lâu đời trong việc thúc đẩy làm phim tài liệu khoa học, từ năm 2004, khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia Liên hoan phim Khoa học quốc tế. Viện Goethe thúc đẩy giáo dục và tự trao quyền cho các nhà làm phim bằng cách hỗ trợ nhóm làm phim độc lập DocLab từ năm 2008 - 2017.
Năm nay, Viện Goethe và Trung tâm TPD sẽ cùng hỗ trợ sản xuất phim trong dự án Sản xuất phim tài liệu về Phát triển bền vững; đồng tổ chức hai hội thảo với các nhà làm phim tài liệu của Đức để trao đổi kinh nghiệm và nâng cao năng lực về cách kể chuyện sáng tạo cũng như cách làm phim.
Ban giám khảo của dự án là những đạo diễn, nhà sản xuất phim có kinh nghiệm tại Việt Nam: Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng; đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh; đạo diễn, đồng sáng lập "Doc Cicada” Hà Lệ Diễm. Họ sẽ góp phần mang đến cái nhìn đa chiều hơn về việc sản xuất phim tài liệu trong lĩnh vực phát triển bền vững ở Việt Nam.
Tham dự họp báo, đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ: "Phim tài liệu chia thành các dòng khác nhau, tùy theo sở thích, nhu cầu, nhà làm phim có thể tự do lựa chọn cách làm phim các bạn thích. Chẳng hạn, tôi thường hướng tới cách làm phim trực tiếp, kể câu chuyện con người, sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, có nhiều câu chuyện, nhiều chất liệu cho các nhà làm phim. Đó là thuận lợi cho các bạn trẻ đang tự tìm cách thực hành khác nhau để làm phim. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn, khó khăn nhất là về nguồn lực, kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân của nhà làm phim… Điều này sẽ được phần nào tháo gỡ khi tham gia dự án".