Dự lễ ra mắt có: Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà văn Phùng Văn Khai; PGS.TS, Viện Trưởng viện Nhân học Văn hóa Đỗ Lai Thuý; Nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn…
Cuốn sách ra mắt nhằm giới thiệu chính thức và tôn vinh, làm rõ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, ghi nhận đóng góp to lớn trong lịch sử phát triển nghề thêu của danh nhân - Ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành.
Cuốn sách được biên soạn bởi các nhà khoa học là những trí thức tên tuổi chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn như: Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, PGS.TS Đỗ Lai Thúy; PGS.TS Phạm Quang Long; PGS. TS Đỗ Thị Hảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú; GS Ngụy Hữu Tâm, TS Phùng Quang Phát; nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn; các nhà nghiên cứu Tạ Đức, Vũ Bình Lục, Phạm Minh Quân, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Ma Lôi.
Nói về ý nghĩa của cuốn sách, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn - một trong những tác giả cuốn sách chia sẻ: là thế hệ hậu sinh, là những nhà văn trẻ, trong cuộc sống chúng tôi luôn có văn hóa cảm ơn, trong đó là cảm ơn những bậc tiền nhân đã đóng góp cho đất nước. Vì thế, chúng tôi đã có những hoạt động trợ giúp để giúp đỡ các nhà văn xuất bản những cuốn sách có giá trị về lịch sử, văn hóa. Bởi, chỉ văn hóa mới có những hoạt động bền vững muôn đời.
“Lê Công Hành là một nhân vật lịch sử không chỉ đóng góp cho sự phát triển của đất nước, mà còn có công lao cho sự phát triển nghề thêu. Cuốn sách giúp thế hệ hậu nhân hiểu hơn về công lao của các bậc tiền nhân, từ đó gửi gắm những thông điệp từ quá khứ đến hiện tại để lưu giữ cho muôn đời sau. Sau một lần đi nghiên cứu ở châu Âu và một số nước trên thế giới, một số học giả nghiên cứu đã nhận ra rằng Lê Công Hành chính là người đầu tiên tạo lập ra một hiệp hội về kinh doanh tư nhân. Đây chính là điều đặc biệt của cuốn sách này” nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn nhấn mạnh.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương lớn, 41 chương nhỏ chủ yếu viết về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Lê Công Hành. Lê Công Hành (còn có những tên gọi khác như Trần Quốc Khải, Bùi Quốc Khái) sinh năm 1606, là người làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), sau được phong tới Thượng thư Bộ Công. Lê công Hành cũng từng được cử đi sứ nhà Minh vào năm 1636. Do lập được nhiều công trạng, được triều đình ban cho Kim tử Vinh lộc Đại phu, chức Tả Thị lang Bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính.
Danh xưng “ông Tổ nghề thêu” của Lê Công Hành xuất phát từ câu chuyện đi sứ ở Trung Hoa, được dựng lên nhằm ghi lại sự tích của Tổ nghề thêu. Sau khi đi sứ trở về, ông đã truyền dạy cho người làng Quất Động những kỹ thuật thêu và làm lọng tân tiến hơn mà ông đã học hỏi được trong chuyến đi sứ.
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: Là mảnh đất có 48 làng nghề được TP. Hà Nội công nhận và 68 nhà khoa bảng, cũng là huyện có nhiều làng nghề truyền thống như: Thêu; sơn mài; tiện… Trong đó, nghề Thêu có ở 5 xã nằm tại phía Nam của huyện, với nhiều nghệ nhân giỏi như: Nguyễn Phúc Sơn; Xuân Nguyên…
Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với đơn vị có liên quan triển khai công việc, hoạt động nhằm tôn vinh đối với danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành…
Cuốn sách "Danh nhân - ông tổ nghề thêu Lê Công Hành" không chỉ là một tác phẩm văn hóa mà còn là một tài liệu quý giá, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghề thêu truyền thống Việt Nam.
Cũng tại buổi ra mắt, Liên hiệp HTX Liên minh Quốc gia đã trao tặng 150 cuốn sách “Danh nhân - ông tổ nghề Thêu Lê Công Hành” cho Thư viện Quốc gia; 100 cuốn cho huyện Thường Tín và các đơn vị có liên quan…