Mở đầu phim là hình ảnh một cá thể rùa biển đang vùng vẫy trong lưới của ngư dân. Tiếp đó là một chuỗi cảnh kinh hoàng với rất nhiều xác rùa biển chồng chất lên nhau trước khi bị mang đi chế tác thành đồ mỹ nghệ, trang sức để bày bán trong các cửa hàng lưu niệm. Một cặp vợ chồng trẻ đi ngang qua cảm thấy thích thú với những món đồ lưu niệm, nhưng đã bỏ đi ngay sau khi nghe chủ cửa hàng tiết lộ các món đồ được chế tác từ đồi mồi. Phim khép lại với thông điệp đến từ cán bộ thực thi pháp luật cho biết mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) là bất hợp pháp và không nhân đạo, đồng thời kêu gọi người dân thông báo các vi phạm về ĐVHD đến cơ quan chức năng.
Nhân dịp ra mắt bộ phim, Phó Giám đốc ENV Nguyễn Phương Dung chia sẻ: “Có một sự thật đáng buồn là cơ hội sống sót của rùa biển đến khi trưởng thành chỉ là 1/1.000 cá thể. Rùa biển đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa trong quá trình phát triển. Không chỉ bị mất môi trường sống, đặc biệt là các bãi đẻ dọc bờ biển, rùa biển còn thường xuyên bị săn bắt để làm đồ trang sức, tiêu bản và các sản phẩm có giá trị khác”.
Thông qua nội dung truyền tải, Phó Giám đốc ENV Nguyễn Phương Dung tiếp tục kêu gọi cộng đồng không mua các sản phẩm từ rùa biển và ĐVHD khác: “Giống như cặp đôi trong phim, mỗi chúng ta cần phản đối việc mua bán các sản phẩm từ rùa biển. Hành động này không những không khiến người dùng trở nên sành điệu hay được tôn trọng hơn mà còn là nguyên nhân kích thích hoạt động săn bắt, khai thác rùa biển trái phép và đẩy các loài rùa biển đến bên bờ vực tuyệt chủng. Trả tiền mua các sản phẩm từ rùa biển là trực tiếp trả tiền để nhiều cá thể rùa biển khác bị săn bắt và buôn bán trái phép. Rùa biển sẽ chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu nhu cầu tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm từ rùa biển không còn nữa”.
Phó Giám đốc ENV Nguyễn Phương Dung kỳ vọng phim truyền thông thứ 55 này sẽ được phát sóng rộng rãi cả nước và tiếp cận được người dân. Từ đó giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rùa biển và sự cần thiết phải bảo vệ rùa biển.