Nguồn:Gettyimages |
Đầu năm ngoái, Chính quyền Tổng thống Chavez đã tuyên bố áp dụng hai tỷ giá hối đoái do chính phủ quy định tùy thuộc vào mục đích sử dụng nhằm thúc đẩy kinh tế và đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng. Cụ thể, tỷ giá 2,6 bolivar/1 USD được áp dụng với các giao dịch chính phủ ưu tiên và 4,3 bolivar/1 USD cho các giao dịch khác. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống hối đoái kép đã gây ra nhiều lệch lạc trong nền kinh tế cũng như nạn đầu cơ tiền tệ tràn lan. Chính vì vậy, xét về mặt chính sách tiền tệ vĩ mô, việc hủy bỏ chế độ hai tỷ giá hối đoái được coi là một quyết định tích cực của Caracaz.
Cụ thể của chính sách một tỷ giá như sau: từ đầu năm 2011, Caracaz hủy bỏ mức quy đổi ưu đãi 2,6 bolivar/1 USD dành cho các doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu nhập khẩu lương thực, thuốc men; và ấn định tỷ giá thông thường 4,3 bolivar/1 USD thành mức quy đổi ngoại tệ trực tiếp duy nhất, mặc dù ngay cả mức này cũng vẫn thấp hơn tỷ giá trên thị trường chợ đen là 8 bolivar/1 USD. Trong khi đó, Sitme- trái phiếu có mệnh giá ngoại tệ duy nhất do Ngân hàng Trung ương kiểm soát, được áp dụng mức giá 5,3 bolivar/1 USD.
Thực tế, quyết định hủy bỏ hệ thống hối đoái kép và áp dụng tỷ giá duy nhất của Chính phủ Venezuela có thể tác động tích cực tới nền kinh tế, nhưng trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người có thu nhập thấp tại quốc gia Nam Mỹ duy nhất có mức tăng trưởng kinh tế âm (-1,9%) trong năm 2010 và lạm phát cao nhất khu vực. Lý giải cho quyết định vừa qua của chính phủ, ông Miguel Barroso, Chủ tịch Cơ quan quản lý Ngoại tệ (Cadivi) của Venezuela cho biết việc áp dụng tỷ giá hối đoái ưu đãi 2,6 bolivar/1 USD trước đây có mục đích thúc đẩy sự phát triển của hệ thống sản xuất trong nước. Venezuela phải nhập khẩu tới 90% hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm bất chấp có tiềm năng nông nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, thay vào đó, hệ thống tỷ giá này đã bị các doanh nhân lớn lợi dụng, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để tăng lợi nhuận cho bản thân.
Tất nhiên, việc hạ giá đột ngột đồng bolivar nội tệ có thể tạo ra áp lực lạm phát mới, vốn đã ở mức kỷ lục khu vực 26,9% trong năm 2010. Cơ cấu trợ giá nhập khẩu của chính phủ vốn được hoạch định trên cơ sở tỷ giá 2,6 bolivar/1 USD, nay sẽ phải điều chỉnh lại ở mức 4,3 bolivar/1 USD. Hiện tại nhập khẩu của các doanh nghiệp nhà nước Venezuela chiếm khoảng 18% tổng giá trị nhập khẩu và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm. Quyết định mới sẽ tác động nhanh và trực tiếp lên giá cả các mặt hàng chính yếu và hiện tượng này có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt trên thị trường.
Song, về mặt chính trị, đây có thể coi là một bước đi khôn ngoan của chính phủ khi lựa chọn việc “trả giá” cho chính sách hạ giá đồng nội tệ sẽ được tính vào “hóa đơn kinh tế” năm 2011, chứ không phải năm 2012- năm sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên, chưa thể đánh giá ngay được sự thành công của chính sách mới này. Mức độ của những ảnh hưởng nêu trên còn tùy thuộc vào hiệu quả của các biện pháp chống lại nạn đầu cơ hàng hóa, đặc biệt là lương thực và thuốc men của chính phủ, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hàng hóa giả tạo. Các nhà phân tích cho rằng đồng bolivar hiện tại vẫn được định giá cao hơn thực tế và lo sợ những đợt điều chỉnh tiền tệ mới.
Có tin nợ của Venezuela có mức rủi ro không được hoàn trả cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Caracaz vẫn sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính của mình, ít nhất là trong ngắn hạn. Họ cũng tin quốc gia Nam Mỹ này khó có thể tuyên bố vỡ nợ khi vẫn duy trì được sản lượng dầu thô và trên thực tế vẫn giữ kỷ lục trong việc thanh toán nợ đúng hạn. Ngoài ra, Venezuela còn có dự trữ ngoại hối khá dồi dào 30,2 tỷ USD, trữ lượng dầu thô thứ hai thế giới và khả năng tiếp cận nguồn tài chính từ Trung Quốc (năm ngoái đã đồng ý cho Venezuela vay 20 tỷ USD). Cùng với quyết tâm hiện nay của chính phủ, chính sách hối đoái sẽ dọn đường cho Chính quyền Chavez đi tới năm 2012 thành công.