Theo phản ánh của người dân địa phương, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ từ nhiều tháng nay. Đặc biệt, những ngày gần đây thường xuyên có từ 5 - 8 tàu cuốc, hút cát hoạt động khiến bờ kè sông Hồng bị sạt lở, đất sản xuất bị cuốn trôi, đời sống và sản xuất của người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân địa phương đã huy động lực lượng thanh niên cùng nhau túc trực, soi đèn, khi thấy các tàu thì đánh trống khua chiêng để xua đuổi “cát tặc”. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng chỉ là tạm thời và đến nay, các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động. Bà Bùi Thị Thu Hằng (xã Vân Phúc) bức xúc: “Cứ chập tối là họ lại đưa tàu đến để hút cát. Tết vừa rồi các tàu càng đông hơn. Cứ đà này, hàng trăm hộ dân chúng tôi không chỉ mất đất sản xuất, mà có khi tính mạng cũng bị đe dọa”. Chủ tịch UBND xã Vân Phúc Đặng Văn Kiều cũng cho biết, việc khai thác cát trái phép đã khiến bờ kè sông Hồng ở xã Vân Phúc xuất hiện nhiều vết nứt ngang, một số vị trí có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê điều và các công trình dân sinh.
Được biết, để xử lý tình trạng trên, trong năm 2019, Công an huyện Phúc Thọ đã nhiều lần ra quân kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn; phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 6 vụ, 17 đối tượng liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép ở các xã: Xuân Phú, Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà, thu giữ tang vật gồm: 8 tàu hút cát, 1 máy xúc, 8 máy nổ, 16 vòi hút và 484m3 cát đen. Tuy đã bắt giữ, xử lý được một số đối tượng nhưng do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý dứt điểm nạn “cát tặc” trên địa bàn. Chưa kể, vì đoạn đê sông Hồng đoạn chạy qua huyện Phúc Thọ giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, nên khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng khai thác cát trái phép “chạy” sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Khi lực lượng chức năng rút khỏi, các đối tượng đưa tàu trở lại, tiếp tục hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lê Anh Chiến cho biết, sông Hồng chảy qua địa bàn 7 xã của Phúc Thọ. Hiện nay, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc mới cắm xong mốc giới trên địa phận xã Sen Chiểu đến xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) giáp với xã Đại Tự (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc); còn đoạn sông Hồng đi qua địa phận các xã: Xuân Phú, Vân Phúc, Vân Nam, Vân Hà (huyện Phúc Thọ) giáp ranh với các xã: Trung Kiên, Trung Hà, Hồng Châu (huyện Yên Lạc) chưa được cắm mốc giới nên các đối tượng lợi dụng để khai thác cát trái phép. Để hỗ trợ các lực lượng chức năng, UBND huyện Phúc Thọ đã kiến nghị với Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ phương tiện, tăng cường lực lượng, lập chuyên án đấu tranh, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Huyện Phúc Thọ cũng đề xuất thành phố thành lập đoàn công tác làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc để cắm mốc giới khu vực còn lại…
Chỉ khi nào các giải pháp này được triển khai quyết liệt thì mới chấm dứt được tình trạng khai thác cát trái phép ở huyện Phúc Thọ, trả lại sự bình yên cho người dân trên địa bàn; đồng thời, bảo đảm an toàn công trình đê điều trong mùa mưa, bão. Người dân Phúc Thọ đang từng ngày chờ đợi hành động quyết liệt của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.