Nhìn lại hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của HĐND các cấp từ sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành cho thấy nhiều cách làm sáng tạo, trách nhiệm đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Đặt thuận lợi của cử tri lên trên
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng, các nhiệm kỳ vừa qua ở Đồng Nai đều tổ chức phối hợp TXCT giữa đại biểu HĐND cấp tỉnh và huyện; một số địa bàn còn tổ chức TXCT của đại biểu HĐND 3 cấp. Đặc biệt, điểm nổi bật trong các kế hoạch TXCT của Thường trực HĐND tỉnh là luôn lưu ý và nhấn mạnh việc phải đặt thuận lợi của cử tri lên trên thuận lợi của đại biểu, từ đó có thể TXCT vào ngày nghỉ, vào buổi tối; tại các điểm tiếp xúc phải ưu tiên bố trí chỗ ngồi của cử tri trước.
Với tinh thần trách nhiệm, điểm riêng ở tỉnh Quảng Ngãi là tổ chức cho đại biểu TXCT trước 2 tháng so với ngày khai mạc kỳ họp HĐND thường lệ hằng năm để sớm tổng hợp, chuyển những ý kiến, kiến nghị có tính chất bức xúc đến UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri ngay tại kỳ họp HĐND. Đồng thời, chú trọng thăm dò, xác định các địa phương có nhiều vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, Thường trực HĐND tỉnh có giấy mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng tham dự để nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề cử tri kiến nghị.
Bắt kịp và tận dụng lợi thế chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng. Tâm huyết với nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Trường Nhật Phượng chia sẻ: Thường trực HĐND tỉnh chú trọng tổ chức các chương trình “Đối thoại với cử tri” thông qua việc sử dụng các nền tảng số và trên sóng truyền hình với các chủ đề: “Thiết chế văn hóa: góc nhìn từ thực tiễn”; “Bình Dương - Vì tương lai an cư lạc nghiệp”; “Cải cách thủ tục Hành chính - Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”… Qua đó, nhiều cử tri được tham dự tiếp xúc, đối thoại với chính quyền, chính quyền có thêm kênh thông tin để tiếp thu, ghi nhận tiếng nói của cử tri và Nhân dân.
Xem xét, đánh giá dưới nhiều góc độ
Cùng với đa dạng cách thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện linh hoạt để đem lại hiệu quả cao nhất.
Trên cơ sở báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo từng nội dung, địa bàn, lĩnh vực phụ trách, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND cấp huyện thẩm tra kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát về Thường trực HĐND tỉnh. Báo cáo của các ban, tổ đại biểu HĐND tỉnh thể hiện sự thống nhất hoặc chưa thống nhất với nội dung trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, nêu rõ lý do đối với những nội dung chưa thống nhất, nội dung trả lời chưa thỏa đáng.
Từ mối liên hệ với cử tri, đại biểu dân cử như có thêm tai, thêm mắt. Nếu như mỗi đại biểu chỉ chuyên sâu một hoặc một vài lĩnh vực, khó có thể hiểu biết sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì chính cuộc sống và cử tri sẽ là người bổ khuyết kiến thức, vốn sống lẫn kinh nghiệm, giúp đại biểu có cơ sở thực tiễn để thực hiện hiệu quả vai trò, trách nhiệm mà pháp luật đã quy định. Người đại biểu gần dân, thấu hiểu những tâm tư, tình cảm, bức xúc, mong muốn của dân, chắc chắn người đại biểu ấy sẽ có điều kiện hoàn thiện mình để trưởng thành hơn và ngày càng khẳng định phẩm chất, năng lực của người đại biểu dân cử. Bởi cuộc sống và cử tri luôn là người thầy, là trường học lớn để đại biểu dân cử rèn luyện và dấn thân.
Qua đó, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh. Trường hợp việc trả lời chưa thỏa đáng, chưa rõ ràng, Thường trực HĐND tổ chức giám sát, tiếp tục đề nghị cơ quan có trách nhiệm trả lời cử tri, hoặc đề nghị đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, hoặc báo cáo tại phiên giải trình giữa hai kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh. Trường hợp ý kiến có nhiều bức xúc, Thường trực HĐND trực tiếp hoặc phân công cho các ban của HĐND tổ chức Đoàn giám sát, khảo sát để trả lời với cử tri và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền.
Luật quy định báo cáo của UBND về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri phải được Ban HĐND thẩm tra theo sự phân công của Thường trực HĐND. Như vậy, một kết quả giải quyết sẽ được xem xét, đánh giá dưới nhiều góc độ: của đại biểu là người nắm sát địa bàn và nội dung kiến nghị; của ban có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực phản ánh; của Thường trực với tầm nhìn bao quát và của Văn phòng với cách nhìn của người tham mưu, như vậy giúp cho việc nâng cao chất lượng trả lời cử tri… Việc thực hiện trách nhiệm và quy trình giám sát cũng đã tác động hiệu quả đến cơ quan có trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, góp phần mang lại sự hài lòng của cử tri.
Cùng với tổ chức giám sát thường xuyên trước kỳ họp thường lệ, nhiều địa phương còn xem xét tại các phiên họp thường kỳ hàng tháng. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài tổ chức giám sát trước các kỳ họp thường lệ của HĐND, hằng tháng Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện và một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã lựa chọn nội dung để Thường trực giám sát hoặc phân công các ban, tổ đại biểu HĐND giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND và các cơ quan chức năng, báo cáo tại phiên họp định kỳ của Thường trực HĐND tỉnh, huyện, xã. Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được truyền hình trực tiếp trên sóng và fanpage của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang điện tử, Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh…
Cấp ngân sách để giải quyết các kiến nghị bức xúc
Để việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có sự thống nhất, hiệu quả và không đùn đẩy trách nhiệm, thẩm quyền xử lý, theo sự thống nhất của Thường trực HĐND và UBND tỉnh Bạc Liêu, tại mỗi kỳ họp HĐND giao UBND tỉnh trực tiếp báo cáo kết quả giải quyết, thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri ở các kỳ họp trước và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này; các giám đốc sở, ngành có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh về nội dung trả lời khi có sự phân công điều này giúp đại biểu HĐND nắm và giám sát việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của cử tri, giúp chính quyền các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, hàng năm, mỗi Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu được cấp một khoản ngân sách để giải quyết các kiến nghị bức xúc của cử tri (nhiệm kỳ 2016 - 2021: mỗi Tổ đại biểu được sử dụng 500 triệu đồng; nhiệm kỳ 2021 - 2026: mỗi Tổ đại biểu được sử dụng 550 triệu đồng). Riêng các Tổ đại biểu HĐND cấp huyện, tùy ngân sách của từng địa phương có mức hỗ trợ khác nhau (thành phố Bạc Liêu: 150 triệu/tổ; huyện Vĩnh Lợi: 200 triệu/tổ; huyện Đông Hải: 50 triệu/tổ…). Số tiền này được chi vào việc đầu tư xây cầu, lộ giao thông, những yêu cầu bức xúc của cử tri nơi Tổ đại biểu ứng cử. Quyết định xây dựng công trình gì đều có sự bàn bạc thống nhất của đại biểu trong Tổ và tham khảo ý kiến lãnh đạo địa phương nơi ứng cử; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán được thực hiện theo đúng quy định của luật... góp phần giải quyết ngay những kiến nghị bức xúc của cử tri.