Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM:Sớm xử lý vướng mắc trong pháp luật và quy hoạch
Trước tiên, tôi đánh giá cao Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Bản báo cáo rất đầy đủ, chi tiết cùng với những ý kiến thảo luận sôi nổi, dân chủ của các vị ĐBQH đã cho thấy rõ toàn cảnh thị trường bất động sản và nhà ở xã hội hiện nay.
Có thể khẳng định, những năm qua, hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và liên tục được hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý cho việc phát triển của thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nâng cao điều kiện sống của người dân. Tuy nhiên, đúng như các ĐBQH nhận định, thị trường bất động sản và nhà ở xã hội hiện còn nhiều vấn đề bất cập, dẫn đến phát triển không bền vững, mất cân đối cung - cầu. Tình trạng “thổi giá, tạo sóng” vẫn diễn ra khiến cho việc định giá thiếu chính xác; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp; mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở…
Qua theo dõi thảo luận, các ĐBQH đã đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Trong đó, tôi đồng tình cao với quan điểm của các ĐBQH cho rằng, “điểm nghẽn” lớn nhất đang nằm ở sự chồng chéo trong các quy định pháp luật dẫn đến lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai, đặc biệt trong giai đoạn nhiều cán bộ đang có tâm lý “e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm”. Bên cạnh đó, sự chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn cũng là nguyên nhân khiến các dự án nhà ở khó triển khai trong thực tế.
Do đó, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các "điểm nghẽn" mà đoàn giám sát cũng như các ĐBQH đã chỉ rõ. Các vấn đề được nêu trong phiên thảo luận này là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án luật, nhất là các Luật về quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Đầu tư công. Trong đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang HOÀNG VĂN VỊNH:Cải cách chính sách xét duyệt cho vay để người dân dễ tiếp cận
Qua theo dõi phiên thảo luận, tôi đánh giá cao dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, đã thể hiện sâu sắc, toàn diện và tạo dựng được bức tranh toàn cảnh, chân thực về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội thời gian qua.
Dưới sự điều hành khoa học, linh hoạt của Chủ tọa, các đại biểu đã thảo luận, tranh luận sôi nổi. Tôi cũng đồng tình và ấn tượng với ý kiến của một số đại biểu xung quanh vấn đề cần làm rõ nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ. Để giải quyết thực trạng này, Chính phủ cần bổ sung những giải pháp riêng, đủ mạnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, có nguyên nhân từ việc pháp lập qua các thời kỳ thay đổi giữa các dự án bất động sản theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, làm chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và khách hàng đã mua bất động sản.
Vấn đề nhà ở xã hội hiện nay được đông đảo cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Tôi cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận với nhà ở xã hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, sớm nghiên cứu ban hành các văn bản quy định riêng về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó, có chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Tôi tin tưởng rằng thời gian tới, với sự đồng tâm hiệp lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, của doanh nghiệp, người dân, thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến tích cực khả quan, nhà ở xã hội phát triển, nhiều địa phương bắt tay thực hiện, đối tượng trong diện chính sách về nhà ở sẽ có đủ điều kiện tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình NGUYỄN THỊ CẨM PHƯƠNG:Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật
Có thể thấy, việc Quốc hội giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh hiện nay vô cùng cần thiết, kịp thời, đặc biệt đã chỉ ra các "điểm nghẽn" về thể chế đã và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Không khí sôi nổi, tranh luận thẳng thắn của các đại biểu đã “hâm nóng” nghị trường. Đồng tình với quan điểm của một số ĐBQH về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật, tôi cho rằng, thực tế cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ. Cùng với đó, nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành còn nhiều nội dung chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn rõ ràng.
Để giải quyết hạn chế trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần thường xuyên, khẩn trương quan tâm, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật mới được ban hành, bảo đảm các quy định rõ ràng và hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tiễn. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các "điểm nghẽn" về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ.
Ý kiến đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) về giá bất động sản tăng cao, đột ngột đang là vấn đề nhiều cử tri và người dân cả nước rất quan tâm. Đồng tình với đề xuất của đại biểu, tôi cho rằng, Chính phủ cần quan tâm và có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng lũng đoạn, thổi giá bất động sản để đưa về đúng giá trị thực chất.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Mai Thị Thúy Nga:Hiện thực hóa giấc mơ an cư - lập nghiệp
Qua phần dự thính trực tiếp tại nghị trường Quốc hội, tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự sôi nổi, trách nhiệm của các đại biểu và người điều hành phiên họp. Qua báo cáo giám sát và qua phần thảo luận trực tiếp của đại biểu, bức tranh tổng thể về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội - một trong những vấn đề "nóng hổi" trong thời gian qua đã được phác họa rõ nét…
Có thể nói, an cư - lạc nghiệp là mong cầu chính đáng của mỗi con người, nhất là những người lao động, người có thu nhập thấp. Chính sách và khung pháp lý đã có, song cho đến nay chủ trương này vẫn chưa được các chủ thể phát huy tương xứng với kỳ vọng, cũng chưa đáp ứng đúng nhu cầu thật về nhà ở của người dân.
Là địa phương đang trong giai đoạn phát triển các nhà ở xã hội, thông qua phiên giám sát của Quốc hội lần này, chúng tôi cũng có thêm những kinh nghiệm để làm sao nắm rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách. Đồng thời, cũng sẽ giám sát nghiêm chỉnh việc chấp hành pháp luật liên quan đến vấn đề này…
Qua cuộc giám sát chuyên đề này, tôi cũng mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có những giải pháp hữu hiệu và cam kết phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Với những bất cập về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội đã được nhận diện, Chính phủ sẽ có những giải pháp thật căn cơ nhằm hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường bất động sản, hài hòa giữa cung và cầu, tăng nguồn cung bất động sản phù hợp với thu nhập của người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội.
Tôi cũng kỳ vọng rằng, với những "nút thắt" được tháo gỡ sẽ là cánh cửa mở ra con đường an cư lập nghiệp cho những người dân có nhu cầu về nhà ở, để hiện thức hóa giấc mơ về an cư cho người dân.