Tiếng lòng cử tri vang vọng nghị trường
Đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội: “Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn”, khép lại chặng đường 23 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, lần đầu tiên, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được Quốc hội đưa lên bàn nghị sự “mổ xẻ” trực tiếp; việc cân đối thời gian kỳ họp có điểm “ngừng” để lắng lại các vấn đề; hoạt động thảo luận, chất vấn tiếp tục đi vào chiều sâu, “lắng” nhưng không “trầm”…
Thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, không chỉ nhiều đại biểu Quốc hội mà đa số cử tri đều cho rằng việc đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp để Quốc hội thảo luận tại hội trường hết sức đúng đắn, đáp ứng kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đó cũng là minh chứng Quốc hội đã đổi mới về “chất”, không chỉ gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân mà còn có sự đồng hành. “Quốc hội đổi mới như vậy là rất “trúng” và mong mỏi của cử tri cũng đã thể hiện rất rõ trong các kỳ TXCT. Khi nêu lên vấn đề tại cuộc tiếp xúc, điều cử tri mong muốn là ý kiến của mình được quan tâm tiếp thu, được lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết. Mong rằng các kỳ họp sau, Quốc hội tiếp tục duy trì thảo luận kết quả giám sát giải quyết ý kiến của cử tri tại nghị trường Diên Hồng”, cử tri Lê Hải Dương, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh kỳ vọng.
“Tôi đồng tình rất cao các nội dung đại biểu Quốc hội thảo luận xung quanh vấn đề này, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, rất phù hợp với xu thế thời đại Công nghiệp lần thứ tư, trong đó số hóa hoạt động của cơ quan dân cử rất cần thiết và cấp bách. Đồng thời, đây cũng thể hiện sự minh bạch hóa hoạt động của Quốc hội, cơ quan nhà nước. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tạo cơ chế để người dân giám sát hoạt động của cơ quan do mình bầu ra dễ dàng, thuận lợi hơn”, cử tri Nguyễn Thị Khánh Hòa, thành phố Vinh, Nghệ An bày tỏ.
Cùng với đó là những con số rất ấn tượng của kỳ họp: Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 luật; thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; 1.533 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 10 phiên thảo luận tổ, 3 phiên thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; 1.415 lượt đăng ký, 695 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 107 lượt tranh luận tại 30 phiên thảo luận Hội trường; 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 112 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, một con số kỷ lục từ trước đến nay.
Giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách
Kỳ họp thứ Năm đã khép lại, mở ra một loạt nhiệm vụ để hiện thực hóa các luật, nghị quyết Quốc hội đã thông qua. Bên cạnh nỗ lực của cả cơ quan lập pháp, cơ quan chấp hành, chìa khóa quan trọng nhất vẫn chính là “lòng dân”. Đây cũng là điểm mấu chốt không chỉ trong thực thi các quyết sách của Quốc hội ban hành mà cũng là “chìa khóa vạn năng” của mọi vấn đề để tiến tới mục tiêu bất biến mà Đảng, nhà nước, Nhân dân luôn hướng đến: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về kết quả hoạt động lập pháp, phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.
Điều người dân quan tâm vẫn là con đường luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, vì vậy cử tri và Nhân dân rất tin tưởng, kỳ vọng khi trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong quý III.2023; đồng thời, sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
“Đây là giải pháp phải thực hiện thường xuyên, nghẽn ở đâu, tháo ngay ở đó, cứ chờ đến kỳ họp mới đưa ra bàn thảo thì chậm mất rồi”, cử tri Nguyễn Đình Cường, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp bày tỏ.
Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tin tưởng các quyết sách kỳ họp quyết nghị sẽ sớm thành hiện thực, đúng như quyết tâm Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định: Để giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, Quốc hội quyết định giao Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá…; xác định cụ thể những quy định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… Điều này cũng khẳng định Quốc hội sẽ hành động quyết liệt để luật, pháp lệnh, nghị quyết sớm đi vào thực tiễn - cử tri nhấn mạnh.