Sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các Luật
Một trong những vướng mắc đó là quy định chồng chéo trong lĩnh vực đấu thầu. Điều này đã làm suy yếu hệ thống pháp luật và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, hệ thống pháp luật điều chỉnh những vấn đề về đầu tư xây dựng chưa thống nhất, chưa điều chỉnh kịp thời; vai trò quản lý nhà nước chưa được coi trọng đúng mức; việc quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn tới nhiều dự án đầu tư chất lượng không bảo đảm, tiến độ kéo dài, hiệu quả thấp.
Lĩnh vực xây dựng cũng như các lĩnh vực khác có những điểm đặc thù, nhưng vấn đề đấu thầu, sử dụng vốn nhà nước phải thống nhất, đặc biệt là quy định về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng. Vì vậy, song song với quá trình sửa Luật Đấu thầu, cần sửa Luật Xây dựng. Đại diện một số Bộ kiến nghị, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cần được xem xét kỹ về phạm vi điều chỉnh hoặc cần tham chiếu phù hợp với các luật liên quan để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo trong quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chặt chẽ đầu tư công, tránh thất thoát và tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn của Nhà nước, của nhân dân.
Tập trung các quy định về đấu thầu - bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước
Hiện, UBTVQH và QH đang xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) thay thế Luật Đấu thầu hiện hành theo hướng tập trung các quy định về đấu thầu, tạo sự thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu. Chính phủ cũng đã có ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bãi bỏ các nội dung về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Luật Xây dựng.
Thực tiễn thực hiện đấu thầu trong xây dựng cũng gặp rất nhiều vướng mắc vì phải tuân thủ theo cả Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng mà nội dung lại quy định không thống nhất. Theo báo cáo rà soát pháp luật kinh doanh năm 2011 gồm 16 luật và gần 200 văn bản dưới luật liên quan, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị bãi bỏ các nội dung về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Luật Xây dựng và chỉ nên thực hiện một quy định thống nhất trong Luật Đấu thầu.
Đấu thầu được xem là một lĩnh vực chuyên môn sâu nên thông lệ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nga, Pháp, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc, Australia… đều ban hành Luật Đấu thầu hay là Luật Mua sắm công nhằm tập trung, thống nhất điều chỉnh tất cả các hoạt động mua sắm, sử dụng vốn nhà nước. Từ thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đào nêu kiến nghị bãi bỏ toàn bộ các nội dung liên quan đến lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Cụ thể là bãi bỏ toàn bộ Chương VIII dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi); bỏ cụm từ “lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng” quy định tại Khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật; bỏ cụm từ “dàn xếp trong đấu thầu nhằm vụ lợi, mua bán thầu, thông đồng trong đấu thầu” quy định tại Khoản 7 Điều 12 dự thảo Luật do đây là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu đã được quy định cụ thể trong Luật Đấu thầu; bỏ quy định tại các Khoản 28, 29, 30, 31 Điều 3 dự thảo Luật do pháp luật đấu thầu đã định nghĩa cụ thể về nhà thầu, nhà thầu chính, nhà thầu phụ và bỏ cụm từ “lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng” quy định tại Khoản 5 Điều 120 dự thảo Luật.
Có thể thấy quy định về đấu thầu trong Luật Xây dựng và các luật khác có nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn khó thực hiện. Trong đó 2 vấn đề đặc biệt quan trọng là công tác lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Sự chồng chéo trong quy định là điều không thể tồn tại trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý quan trọng là quản lý hoạt động đấu thầu, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc thu hút các quy định về đấu thầu vào một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý ổn định, thống nhất cho hoạt động đấu thầu.