Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi):

Các quy định chuyển tiếp góp phần ổn định, phát triển hệ thống ngân hàng

- Chủ Nhật, 17/03/2024, 08:22 - Chia sẻ

Ngày 18.1.2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua dự án Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi). Theo đó, nhiều điểm mới, tiến bộ, hoàn thiện hơn về mặt ngân hàng. Luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2024, các quy định chuyển tiếp của Luật rất quan trọng, góp phần ổn định và phát triển bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng.

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Ảnh: ITN
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực được kỳ vọng sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Ảnh: ITN

Nhiều quy định hoàn thiện hơn

Trước tiên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đã thành lập và hoạt động theo giấy phép do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực không phải đề nghị cấp lại giấy phép theo quy định của luật này. Trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép phải thực hiện theo quy định của luật.

Đối với các hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận được ký kết trước ngày luật có hiệu lực, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định của luật, trừ trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ của hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận cấp tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

Đối với hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận không xác định thời hạn có nội dung không phù hợp với quy định của Luật được ký kết trước ngày Luật có hiệu lực tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 30.6.2025. Sau thời điểm này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng phải thực hiện chấm dứt hoặc sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch khác, thỏa thuận bảo đảm phù hợp với quy định của Luật.

Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước đến ngày luật này có hiệu lực còn dư nợ và chưa có phương án cơ cấu lại được phê duyệt thì các bên được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng vay đặc biệt đã ký và được xem xét gia hạn vay đặc biệt theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các loại kỳ phiếu, tín phiếu đã phát hành còn số dư đến ngày luật này có hiệu lực tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và người mua kỳ phiếu, tín phiếu tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận cho đến khi thanh toán hết kỳ phiếu, tín phiếu.

Liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ theo quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định tại Nghị quyết số 42 trước ngày Luật này có hiệu lực mà đến ngày luật này có hiệu lực chưa xử lý xong thì được tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 42 từ ngày 1.1.2024 cho đến khi xử lý xong. Lãi dự thu đã ghi nhận của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định, chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán khoản nợ xấu và số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập cho khoản nợ này đang được phân bổ theo quy định tại Nghị quyết 42 được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 42 từ ngày 1.1.2024 cho đến hết ngày 14.8.2027.

Người quản lý, người điều hành và chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước ngày Luật này có hiệu lực mà không đáp ứng quy định tại các điều 41, 42 và 43 của Luật này được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn được bầu, bổ nhiệm. Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng được bầu trước ngày Luật này có hiệu lực mà không đáp ứng quy định tại Điều 69 Luật này được tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ Hội đồng quản trị.

Cổ đông sở hữu cổ phần vượt quy định không được tăng thêm cổ phần

Tính từ ngày Luật có hiệu lực, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.​ Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Luật này trước ngày Luật có hiệu lực được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tổ chức tín dụng đang thực hiện theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền quyết định trước ngày luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được quyết định cho đến khi hoàn thành phương án, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này (tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt).

Đối với chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ đang thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực không phải điều chỉnh tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này, mà thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bao thanh toán, thư tín dụng trước ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện các nghiệp vụ quy định ở một số Khoản, Điểm tại các điều 107, 114, 115, 119, 120 và Điều 124 của Luật này mà không phải sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật có hiệu lực để thu hồi nợ không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của pháp luật về kinh doanh bất động sản nhưng phải đáp ứng các điều kiện: Dự án bất động sản chuyển nhượng phải đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và phải có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cạnh đó, bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

Luật gia Phạm Văn Chung ( Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)
#