Luật Đất đai (sửa đổi)

Bài 1: Kỳ vọng tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”

- Thứ Sáu, 16/02/2024, 07:43 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Ngày 18.1.2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, với 432 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Là một trong những đạo luật vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp tới đời sống của muôn dân, Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hứa hẹn sẽ mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân vào đúng dịp Tết đến, xuân về.

Quy trình bài bản, chặt chẽ từng bước, đặc biệt là tôn trọng Nhân dân trong việc tiếp thu có chọn lọc từng ý kiến, kiến nghị nên nhiều quy định mới của Luật Đất đai (sửa đổi) kỳ vọng tháo được những “điểm nghẽn” của Luật cũ, nhất là trong vấn đề giá đất, theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa của người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường; xác định cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong xây dựng bảng giá đất.

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thực hiện quy trình xây dựng và thông qua chặt chẽ, chú trọng khâu lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân và cử tri vào dự thảo. Ngoài Hiến pháp 2023, có lẽ Luật Đất đai là dự án Luật được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước. Dự thảo Luật được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

“Quy trình bài bản, chặt chẽ từng bước, đặc biệt là tôn trọng Nhân dân trong việc tiếp thu có chọn lọc từng ý kiến, kiến nghị nên nhiều quy định mới đã tháo được những điểm nghẽn của Luật cũ, nhất là trong vấn đề giá đất, hứa hẹn sẽ khắc phục triệt để tình trạng “sốt” đất, gây lao đao cho thị trường bất động sản thời gian qua” - cử tri Ngô Đức Thái - huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bày tỏ.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo Luật Đất đai (sửa đổi) người dân sẽ không phải "đi xin" để được cấp giấy chứng nhận. Vấn đề dân chủ, công khai và minh bạch trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được coi trọng. Theo đó, Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận. Đây là những điểm mấu chốt để khơi thông việc cấp giấy chứng nhận cũng như tạo điều kiện cho các dự án đất ở, đất thương mại đi vào hoạt động; các địa phương sẽ thuận lợi trong đấu thầu các dự án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cho các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới.

Luật Đất đai (sửa đổi) được nhiều cử tri kỳ vọng sẽ “cởi trói” pháp lý, tạo đà cho sự khởi sắc của thị trường bất động sản trong thời gian tới. Điều đáng chú ý là có khá nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Theo đó, những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường. Đây là một trong những điểm mới quan trọng, bởi trên thực tiễn, nhiều vấn đề liên quan đến đất đai và cử tri kiến nghị liên quan chủ yếu đến công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu cũng do khâu giải phóng mặt bằng chậm. Suy cho cùng là việc người dân chưa đồng thuận với phương án áp giá đền bù.

Quy định những người sở hữu đất đai thuộc diện phải thu hồi sẽ được hưởng mức giá đền bù sát với giá giao dịch trên thị trường nhằm bảo đảm người dân sẽ không bị thiệt. Đây không chỉ là sự ghi nhận của Nhà nước đối với người dân có đóng góp cho lợi ích chung của địa phương, khu vực và đất nước mà đây còn là giải pháp bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo.

Thay đổi cơ bản tư duy trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển

Một sự đổi thay so với Luật cũ chúng ta thấy rất rõ và cũng được tiếp thu, điều chỉnh đó chính là Luật Đất đai (sửa đổi) đã xác định cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND trong việc xây dựng bảng giá đất. Theo đó, Luật mới đã bãi bỏ khung giá đất, thay vào đó bảng giá đất được xây dựng hàng năm. Điểm mới này thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri, trong đó có cả những cử tri là đại biểu dân cử.

Luật Đất đai năm 2013 quy định Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động. Chính sự thiếu kịp thời dẫn đến không phản ánh đúng giá đất thực tế của thị trường. Do đó, việc bỏ khung giá đất là cần thiết. Đây là sự thay đổi cơ bản tư duy trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển, đồng thời cũng hạn chế được hàng loạt khúc mắc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai như hiện nay. Luật cũng quy định rất rõ nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh trong vai là cơ quan đại diện cho dân để quyết định bảng giá đất; đồng thời, cũng quy định rõ việc giám sát của cơ quan dân cử từ quá trình xây dựng đến quyết định và thực thi. Sự ghi nhận của Luật là cần thiết, pháp lý hóa rõ ràng vị trí, vai trò của HĐND” - bà Nguyễn Thị Thùy, Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Theo quy định mới này, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1.1.2026. Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo. Trường hợp bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.

Bên cạnh những điểm mới quan trọng về giá đất, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định 32 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Luật Đất đai 2024 cho phép mở rộng “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất”, vấn đề lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất… Những quy định mới được hoàn thiện sát hợp với thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tin tưởng Luật Đất đai mới sẽ tháo gỡ những đim nghẽnmà Luật cũ đang gặp phải.

#