Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 13 - 17.11, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Tại Quảng Bình, mưa lớn được dự báo tập trung chủ yếu trong ngày 13-14.11.2023, tổng lượng mưa phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 400mm. Vùng biển Quảng Bình có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 2 - 3m, biển động.
Sau nhiều đợt mưa lớn diễn ra, nhiều khu vực vùng núi tại một số địa phương đối mặt với nguy cơ sạt lở cao, cùng với đó, các hồ chứa cũng đã đạt dung tích tối đa. Trước tình hình dự báo, tỉnh Quảng Bình đã triển khai và sẵn sàng các phương án đối phó nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất phù hợp và an toàn về người cũng như tài sản. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu đơn vị tại các cấp, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên đất liền, gió mạnh trên biển để kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng đã thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền chủ động phòng tránh gió mạnh trên biển và có kế hoạch sản xuất hợp lý. Tại các khu vực miền núi, lực lượng biên phòng phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày. Các địa phương cử lực lượng túc trực tại các ngầm, tràn, khe suối... không cho người dân qua lại khi mưa lớn, khuyến cáo người dân không đánh cá, vớt củi khi mưa lũ xảy ra. Địa phương rà soát nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi mưa lũ xảy ra.
Đối với khu vực đất liền, nhằm ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các địa phương đã kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu; cảnh báo các khu dân cư ven sông, ven suối đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Sau nhiều đợt mưa lớn trên địa bàn tỉnh thì 153 hồ thủy lợi đã đạt hơn 80% dung tích, với 13 hồ trong đó đạt 100% dung tích thiết kế. Đáng lưu ý, một số hồ chứa xuất hiện tình trạng thấm nước thân đập. Do đó, các đơn vị quản lý đã cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Tại các huyện miền núi có nguy cơ sạt lở, hiện có 8 vị trí được khảo sát nhằm đưa ra các phương án sẵn sàng ứng phó như đồi phòng không ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa; điểm sạt lở tổ dân phố 5, thị trấn Quy Đạt; núi Cây Sường tại tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa; đồi Hạ Vàng tại thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch… Các vị trí này là nơi tập trung đông dân cư ở dưới chân đồi, nên địa phương sát sao tình hình để di dời khi mưa lớn để đảm bảo an toàn cho người dân. Tại khu vực đồi Hạ Vàng, hiện, chính quyền huyện Bố Trạch đang thực hiện phương án hạ thấp độ cao, chống sạt lở và uy hiếp khu dân cư ngay dưới chân đồi. Diện tích khu vực thực hiện phương án này lên đến hơn 33.000m2, khối lượng đất đào trên 451.000m3.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn trên đất liền và gió mạnh trên biển.
“Một số tuyến đường giao thông đi qua các điểm sông suối, ngầm tràn thường xuyên bị chia cắt khi mưa lũ, gây nguy hiểm cho người dân và khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn. Từ tỉnh đến huyện, xã, thôn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm triển khai chuẩn bị tốt ứng phó phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quán triệt phương châm 4 tại chỗ với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng, ổn định đời sống cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết.