Ngày 5.6, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vừa có yêu cầu đối với các sở, ban, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon và thúc đẩy phát triển thị trường carbon.
Theo đó, các sở, ban, ngành và địa phương được yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tuân thủ quy định về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, các đơn vị cũng rà soát, đánh giá hiện trạng hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon; xác định tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định(NDC) để làm cơ sở cho hoạt động trao đổi tín chỉ carbon rừng với đối tác quốc tế.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, cần thực hiện đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có tại địa bàn của đơn vị.
Kế hoạch hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính NDC.
Đối với việc phát triển rừng, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện biện pháp lâm sinh để phục hồi, nâng cấp chất lượng, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học, năng lực phòng hộ, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tính bền vững của rừng trồng.
Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon cũng phải thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin về chương trình, dự án, số lượng tín chỉ carbon được tạo theo quy định.
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chi trả 82,4 tỷ đồng từ nguồn bán tín chỉ carbon, nằm trong khoảng phân bổ 235 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 giai đoạn 2023 - 2025.
Địa phương cũng xác định mục tiêu khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng và tham gia thị trường tín chỉ carbon, hướng đến phát triển bền vững với nguồn lợi từ rừng.