“Thần đèn” di chuyển nhà dân
Có tài sản là nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nhưng anh Trần Bá Đàn, trú ở tổ dân phố Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lại phân vân tiếc nuối vì ngôi nhà chỉ mới xây được ít năm. Theo đó, năm 2021, anh bắt đầu xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá 1,8 tỷ đồng. Hoàn thành và đi vào sử dụng, anh mới hay tin vị trí nhà mình nằm trong diện giải tỏa.
Vì là tài sản cả đời tích cóp, nên anh Đàn cố gắng tìm phương án tiết kiệm nhất. Qua tìm hiểu, anh quyết định thuê “thần đèn” từ TP. Hồ Chí Minh ra Quảng Bình để di chuyển cả ngôi nhà sang vị trí mới, tiết kiệm hơn so với việc phải xây căn nhà khác.
“Tôi được xã và huyện đồng ý, chấp thuận cho tái định cư tại chỗ, tiện cho công việc làm ăn hàng ngày. Qua tìm hiểu, tôi biết đến ông Huỳnh Văn Tài ở TP. Hồ Chí Minh có thể di chuyển nhà. Sau khi đánh giá thực trạng, tôi đã làm hợp đồng để thực hiện. Giờ ngôi nhà đã được di dời đến vị trí mới cách chỗ cũ 50m, kết cấu ngôi nhà được đảm bảo an toàn”, anh Trần Bá Đàn cho biết.
Về cách thức di chuyển, ông Huỳnh Văn Tài cho biết, việc di chuyển những ngôi nhà kiên cố đến vị trí mới phải đảm bảo kết cấu công trình, giữ nguyên hiện trạng, phần móng không được phạm vào và khi dời đi rồi phải kết cấu chân cột vào móng, đúng theo quy trình xây dựng.
“Đối với những công trình lớn thì cần có cơ quan chức năng thẩm định. Còn nhà dân thì do 2 bên thỏa thuận và có cam kết, bảo hành ghi trong hợp đồng. Chi phí hoàn thiện việc di dời nhà chỉ chiếm một phần tỷ lệ trong giá trị ngôi nhà nên nhiều người thường cân nhắc. Về thời gian, chúng tôi mất từ 30 - 50 ngày để di dời các căn nhà, tùy vào thực tế công trình và điều kiện khách quan”, ông Huỳnh Văn Tài cho biết.
Được biết, ông Huỳnh Văn Tài (45 tuổi), quê ở Đồng Tháp và đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Ông được bà con thân thương gọi là “thần đèn” khi có thể di dời các ngôi nhà kiên cố đến vị trí mới mà vẫn đảm bảo kết cấu công trình.
Sớm bàn giao mặt bằng cho dự án
Không chỉ gia đình anh Trần Bá Đàn mà trong thời gian qua, nhiều hộ dân có tài sản thuộc diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam tại tổ dân phố Dũng Cảm cũng đã thuê ông Tài thực hiện việc di dời nhà.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Cường ở TDP Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung có giá trị 2 tỷ đồng, được “thần đèn” di dời đến chỗ mới cao ráo hơn. Chi phí cho việc dịch chuyển vị trí ngôi nhà là 500 triệu đồng, bao gồm di dời nhà đến vị trí mới cách chỗ cũ 100m, nâng độ cao nền nhà và xoay hướng của ngôi nhà theo yêu cầu của chủ nhà.
“Việc di dời ngôi nhà đến vị trí mới diễn ra thuận lợi, rút ngắn được thời gian so với chờ khu tái định cư hoàn thành hay xây nhà mới. Gia đình tôi chỉ cần dọn dẹp đồ đạc, thợ đến cắt phần móng ngôi nhà đi rồi di chuyển trong vòng 1 tháng. Nhờ đó gia đình sớm an cư lạc nghiệp để giao đất cho nhà nước", ông Nguyễn Văn Cường cho biết.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình có 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đa số các hộ dân được tái định cư tại chỗ đã chủ động di dời nhà ở, tài sản trên đất đến vị trí thích hợp để nhường mặt bằng phục vụ dự án.
Các hộ dân thuộc diện sinh sống ở khu tái định cư đang chờ hoàn thiện để xây dựng nhà ở mới. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình Phạm Văn Năm cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương cấp tốc thi công ngày đêm để sớm hoàn thành khu tái định cư, bố trí tạm cư cho người dân.
“Hiện nay, công việc tập trung chủ yếu vào xây dựng các khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các khu tái định cư để thuận lợi cho việc bàn giao mặt bằng. Tỉnh cũng có phương án tạm cư cho Nhân dân, hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương có những hỗ trợ trong chi phí tạm cư theo quy định của nhà nước”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết.