Quản trị tài chính là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp duy trì và phát triển, do lợi nhuận hay kinh tế nói chung là mục tiêu cốt lõi các doanh nghiệp hướng tới. Trong quá trình đó, giá sản phẩm là động lực cơ bản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại, vì vậy doanh nghiệp luôn ưu tiên xây dựng, phát triển chiến lược giá để xác định mức giá cho sản phẩm của mình. Chiến lược định giá có thể mang lại cả lợi thế và bất lợi cạnh tranh cho công ty và thường quyết định sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp, do đó, điều quan trọng là phải chọn được chiến lược phù hợp. Trong chiến lược giá, doanh nghiệp phải tìm cách thu được nhiều lợi nhuận nhất có thể thông qua phân tích doanh thu cận biên và chi phí sản xuất cận biên.
Nhà kinh tế học Adam Smith đã khẳng định “bàn tay vô hình” của thị trường dựa vào sự biến động của giá cả để chuyển nguồn lực đến nơi cần thiết. Trong đó, giá hàng hóa đóng vai trò quan trọng để xác định sự phân phối hiệu quả các nguồn lực trong hệ thống thị trường vì giá đóng vai trò là tín hiệu về sự thiếu hụt và thặng dư, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng phản ứng với những điều kiện thị trường thay đổi. Hiệu quả phân bổ được cho là xảy ra khi lợi ích cận biên (MU-marginal utility) từ một hàng hóa bằng chi phí biên (MC-marginal cost). Hiệu quả phân bổ này sẽ đạt được ở mức sản lượng QM khi mà giá PM thị trường = chi phí biên (hình 1). Hay nói một cách khác là khi đường cung S gặp đường cầu D.
Nếu hàng hóa khan hiếm - giá sẽ có xu hướng tăng làm giảm nhu cầu và khuyến khích các công ty cố gắng tăng nguồn cung và ngược lại, hàng hóa dư thừa - giá sẽ có xu hướng giảm, khuyến khích mọi người mua và khiến các công ty cố gắng cắt giảm nguồn cung. Ngoài ra, giá cả cũng giúp tái phân phối nguồn lực từ hàng hóa có ít nhu cầu sang hàng hóa và dịch vụ được người dân đánh giá cao hơn.
Thực tế ngành nông nghiệp cho thấy khi mất mùa làm cho sản lượng hàng nông sản giảm từ Q1 xuống Q2 (đường cung hàng hóa dịch chuyển từ S1 đến S2) dẫn đến giá hàng hóa sẽ tăng từ P1 lên P2 (được giá). Trong ngắn hạn, nguồn cầu D không co giãn theo giá nên cầu chỉ giảm nhẹ không đáng kể (xem hình 2). Bức tranh sẽ diễn biến theo chiều ngược lại khi được mùa dẫn đến nguồn cung hàng nông sản tăng làm cho giá sản phẩm sẽ bị giảm xuống (mất giá) nếu như doanh nghiệp không có các giải pháp đa dạng hóa và phát triển thêm thị phần.
Tuy nhiên, về dài hạn thị trường không đứng yên. Nếu giá tăng từ P1 lên P2, lợi nhuận của việc sản xuất hàng nông sản tăng và khi đó các doanh nghiệp có thể kiếm được siêu lợi nhuận vì doanh thu cận biên lớn hơn chi phí cận biên.
Mức giá cao này đóng vai trò như một động lực để các doanh nghiệp cố gắng tăng sản lượng. Do đó, theo thời gian, giá cao hơn khiến đầu tư vào ngành nhiều hơn (hình 3) và nguồn cung S2 có thể tăng trở lại mức nguồn cung mới trong dài hạn SLR với mức giá phù hợp hơn PLR cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng là một trong ba chủ thể của nền kinh tế thị trường và tác động mạnh đến giá thành sản phẩm và ngược lại giá cả cũng ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng. Có thể minh họa tác động qua lại giữa người tiêu dùng và giá dầu tăng cao hiện nay do chuỗi cung ứng bị khủng khoảng làm cho sản lượng giảm từ Q1 xuống Q2 (hình 4).
Trong ngắn hạn, đường cầu rất kém co giãn theo giá. Tuy nhiên, cùng với sự khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế và sự cạn dần của vốn tài nguyên trên thế giới, giá dầu thô Brent ngày càng tăng chắc chắn ảnh hưởng đến hành vi tương lai của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ tìm kiếm động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn như mua những chiếc xe máy, ô tô có hiệu suất sử dụng nhiên liệu tốt hơn hoặc theo thời gian có thể bắt đầu tìm kiếm phương tiện thay thế khác như xe đạp, xe công cộng… dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch giảm dần về dài hạn.
Đây có thể là cơ hội tốt của ngành năng lượng xanh. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm để các nước đang phát triển cơ cấu lại hạ tầng giao thông vận tải nhằm hướng tới các phương tiện giao thông công cộng số lớn như xe bus, đường tàu điện và đường sắt cao tốc ở các đô thị lớn và giữa các thành phố trung tâm kinh tế có mật độ dân cư cao. Trong dài hạn, cùng với sự tăng cường đầu tư vào năng lượng thay thế và nhu cầu nhiên liệu hóa thạch với sản lượng Q2 tiếp tục giảm xuống QLR, dẫn đến giá xăng dầu giảm xuống PLR theo quy luật thị trường.
Về mặt lý thuyết, giá hàng hóa tăng sẽ giúp nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa truyền thống vì giá cả sẽ tạo ra tín hiệu cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng của quốc gia, để phát huy tích cực hơn nữa vai trò và chức năng của giá thành trong quản trị nguồn lực tài chính, việc hoạch định chiến lược giá cho sản phẩm và dịch vụ cần lưu ý nghiên cứu sâu thêm ba lĩnh vực.
Một là, với sự hiện diện của các yếu tố quốc tế, giá hàng hóa có thể không phản ánh chi phí xã hội, lợi ích xã hội thực sự, nhất là với hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Tương tự, chi phí tác động môi trường và tiền lương nhân công có thể tạo ra môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn ngắn hạn nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lâu dài về nguồn nhân lực và môi trường sống. Điều này có thể gây ra tình trạng tiêu dùng dưới mức hoặc quá mức, dẫn đến bất cập trong vận hành kinh tế thị trường trong nước và công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao hơn.
Hai là, bất bình đẳng. Giá giúp nguồn lực tài nguyên chuyển sang các khu vực có nhu cầu lớn nhất, nhưng có thể dẫn đến sự phân bổ tài nguyên không công bằng, làm cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng trong lĩnh vực môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong nền kinh tế có đặc thù là tài nguyên đất đai thuộc về sở hữu toàn dân, việc xác định giá trong kinh doanh quyền sử dụng đất phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch và các quy định pháp luật liên quan đến mục đích sử dụng đất. Hơn nữa, thị trường bất động sản và thị trường tài chính có mối liên quan cộng sinh mật thiết trong nền kinh tế thị trường, nên cần quản lý tốt giá cả trong hai lĩnh vực này để tránh khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, thời điểm thiên tai, xung đột vũ trang, dịch bệnh… làm khan hiếm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của thị trường dẫn đến giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân. Trong kịch bản này, cần có chương trình kế hoạch mang tính phân phối công bằng hơn là phân phối chạy theo lợi nhuận và giá cả leo thang của thị trường.
Ba là, độc quyền và lợi ích nhóm. Trong tình trạng độc quyền và lợi ích nhóm cũng như môi trường cạnh tranh không minh bạch ở các lĩnh vực bất động sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, đấu thầu, thuế quan, thị trường chứng khoán, sở hữu chéo ngân hàng và tiền tệ… giá cao hoặc thấp hơn có thể không phản ánh sự thiếu hụt hoặc dư thừa hàng hóa mà phản ánh sức mạnh độc quyền, nội gián và bị chi phối. Điều này dẫn đến sự phân bổ kém hiệu quả do các động cơ đầu cơ trục lợi, tham nhũng… làm méo mó sự vận hành của thị trường và nền kinh tế bị trì trệ.
Có thể nói, chiến lược giá thành sản phẩm đóng vai trò then chốt bảo đảm xây dựng và phát triển thể chế và cấu trúc đồng bộ cho thị trường tài chính. Quản trị nguồn vốn tài chính trước hết phải định giá khách quan và chính xác để tạo tính thanh khoản để khai thác và thúc đẩy hiệu quả tối ưu cho tất cả các nguồn lực khác như vốn sản xuất, con người, xã hội và tài nguyên nhằm phát huy sự đổi mới và sáng tạo tích cực của con người cũng như huy động tổng lực mọi nguồn vốn vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội.