Tổng thiệt hại ước tính hơn 65 tỷ đồng
Từ báo cáo phục vụ khảo sát và làm việc trực tiếp với các đơn vị, địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận từ tháng 1.2021 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 431 điểm/vị trí sạt lở, làm mất hơn 14.918m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân; trong đó, 42 hộ phải di chuyển chỗ ở do nhà cửa sụp lún xuống lòng sông. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 65 tỷ đồng. Nhìn chung, các vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh không gia tăng bất thường về số lượng nhưng trong thời gian gần đây đã xảy ra các điểm sạt lở có quy mô lớn.
Giai đoạn 2021 - 2024, từ các nguồn vốn hợp pháp đang quản lý theo thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định hỗ trợ cho các huyện, thị, thành phố 12,382 tỷ đồng đầu tư khắc phục công trình thủy lợi bị thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 2.2.2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030” trên địa bàn. Trong đó, nguồn vốn dự kiến để thực hiện đến năm 2030 khoảng 8.120.144 triệu đồng (vốn ngân sách Trung ương 6.060.144 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương 1.908.000 triệu đồng; vốn huy động hợp pháp khác 152.000 triệu đồng).
Từ các nguồn lực trên, toàn tỉnh đã đầu tư 10 tuyến kè kiên cố có kết cấu bằng bê tông cốt thép (đang triển khai thực hiện 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến). Đồng thời, thực hiện việc gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố bờ sông bằng cừ tràm, cừ dừa với trên 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện 4.351.772 triệu đồng…
UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cũng phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam hoàn thành nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu đánh giá ổn định bờ sông và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở sông Cổ Chiên, đoạn từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng dài 2.500m. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông và trình phê duyệt nhiệm vụ thuộc khu vực các tuyến sông lớn trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2025 với tổng chiều dài các tuyến sông được khảo sát là 209.600m…
Ổn định đời sống người dân vùng nguy cơ sạt lở
Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả khảo sát cũng chỉ rõ nguồn kinh phí bố trí đầu tư hàng năm cho công tác ứng phó, phòng chống và xử lý sạt lở bờ sông còn rất hạn chế. Công tác dự báo về sạt lở chưa được thực hiện khiến việc ứng phó hết sức bị động. Việc quản lý, xử lý các hành vi xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ lấn chiếm bờ sông, kênh rạch còn khó khăn. Thiết kế dự án và giải pháp thi công, thực hiện việc khắc phục sạt lở một số công trình thủy lợi, giao thông kết hợp thủy lợi chưa phù hợp, đôi khi còn làm gia tăng sạt lở...
Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát và quan tâm cân đối, bố trí nguồn lực từng bước triển khai thực hiện đầu tư khắc phục các đoạn bờ sông, khu vực đô thị đã sạt lở trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Trong kế hoạch vốn xây dựng cơ bản giai đoạn trung hạn 2026 - 2020, cần quan tâm đầu tư các công trình, dự án phòng, chống sạt lở; bố trí nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ di dời, ổn định nơi ở cho các hộ dân ven sông vùng có nguy cơ bị sạt lở theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng chú ý kết hợp tính lưỡng dụng trong các dự án giao thông - thủy lợi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương, tăng cường quản lý hoạt động khai thác đất, cát trên các tuyến sông, kênh rạch; kiên quyết xử lý các vi phạm ảnh hưởng sạt lở bờ sông. Cùng với đó, phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học khảo sát, đánh giá để làm cơ sở tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng...