Theo đó, Khoản 2, Điều 35, Dự thảo đã bổ sung mạng xã hội có các hình thức hoạt động như sàn giao dịch thương mại điện tử (cho phép người tham gia được mở các gian hàng hoặc lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ...) thì thực hiện theo quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thực tế cho thấy, mặc dù giao dịch qua mạng xã hội rất đa dạng, các hoạt động này có nhiều điểm tương đồng với các phương thức thương mại điện tử truyền thống như tiếp thị, bán hàng thông qua trang cá nhân, chuyên trang (fanpage - tương tự như website bán hàng), hoặc trên chợ (marketplace, shop... - tương ứng với sàn giao dịch thương mại điện tử) được tích hợp trong tính năng của mạng xã hội.
Báo cáo của Nielsen và Demand Institute công bố mới đây cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh (omni - channel), trong đó mạng xã hội là kênh tiếp thị tiêu dùng, kinh doanh thương mại được ưa chuộng và hiệu quả của đa số thương nhân, cá nhân hoạt động thương mại. Kết quả khảo sát của Bộ Công thương năm 2019 cũng cho thấy mạng xã hội tiếp tục là kênh tiếp thị phổ biến nhất của các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao là 45%, trong khi tỷ lệ này đối với bán hàng qua website là 32%.
Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến Dự thảo còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến đề xuất này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trên thực tế nhiều mạng xã hội không tham gia vào quá trình giao dịch giữa người bán và người mua, không yêu cầu người bán và người mua phải thực hiện giao dịch trên nền tảng của mình… Nói cách khác, nhiều mạng xã hội chỉ đơn thuần được sử dụng như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Trong khi đó, Dự thảo quy định mạng xã hội cho phép người dùng được mở gian hàng hoặc đăng tin cung cấp dịch vụ hoặc có chuyên mục mua bán thì được coi là sàn thương mại điện tử; phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự sàn thương mại điện tử. Khi đó, gần như mọi mạng xã hội, dù không chủ động tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, cũng sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Chẳng hạn, người dùng lập một tài khoản mạng xã hội (như một người dùng bình thường) sau đó đăng tin cung cấp dịch vụ và sử dụng các chức năng của mạng xã hội để tương tác với người dùng.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc quản lý này cũng không thực sự cần thiết, mà thay vào đó nên sử dụng các biện pháp cạnh tranh trên thị trường. Việc quản lý mạng xã hội như sàn thương mại điện tử chỉ thực sự cần thiết khi các mạng xã hội có chức năng mua bán chuyên nghiệp (có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát).