Cùng dự có các Uỷ viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng đoàn giám sát; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Tham dự cuộc làm việc còn có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi, Nguyễn Thị Phú Hà, Vũ Thị Lưu Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến; các thành viên Đoàn giám sát là các chuyên gia và thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, nhấn mạnh: “Giám sát là để xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trên cơ sở đó, xem xét việc ban hành và phát hiện những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách; Đánh giá những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhất là người đứng đầu, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, nội dung UBND TP. Hồ Chí Minh báo cáo cần bám sát nội dung giám sát trọng tâm: việc ban hành văn bản theo thẩm quyền để thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc thực hiện các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trọng tâm gồm: quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Việc thực hiện các nội dung trong các kết luận thanh tra, cơ quan kiểm toán. Những kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp giải quyết những vướng mắc, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, trong giai đoạn 2016-2021, nhất là những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, song với quyết tâm cao, cùng với các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả. Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên suốt 5 năm đều đạt và vượt. Thực hiện tiết kiệm ngân sách nhà nước ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán.
Đẩy mạnh mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn NSNN, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh nguồn nhân lực, tăng cường hội nhập quốc tế.
Công tác xây dựng, ban hành, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật được TP chú trọng, cơ bản đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, tạo cơ sở quan trọng cho việc tổ chức thực hiện. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, TP đã xây dựng, ban hành các văn bản về tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong lĩnh vực quản lý và các định mức, tiêu chuẩn áp dụng trong nội bộ, đáp ứng yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
TP đã tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN cơ bản chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, đa dạng hóa các kênh thu nộp NSNN để rút ngắn thời gian nộp thuế, mở rộng triển khai hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, kết nối trực tiếp dữ liệu người nộp thuế với cơ quan thuế. TP đã có giải pháp linh hoạt, kịp thời trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách, có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, cơ bản thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khắc phục tình trạng thất thu ngân sách.
Kết quả thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu (riêng năm 2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thu đạt 91,8% dự toán). Chi NSNN bảo đảm nhiệm vụ đề ra. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng, TP đã thực hiện tiết giảm các khoản chi, trong đó cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách, chi hội họp, công tác… để phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh trên địa bàn. Năm 2020 tiết kiệm chi thường xuyên đạt 367 tỷ đồng (kế hoạch là 215 tỷ đồng), năm 2021 đạt 418 tỷ đồng (kế hoạch là 206 tỷ đồng).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 86,06% tổng kế hoạch vốn. Giai đoạn 2016- 2020, TP đang theo dõi 19 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 123.274 tỷ đồng (vốn ODA: 103.460 tỷ đồng; vốn đối ứng 19.813 tỷ đồng). Trong đó, tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí khoảng 30.480 tỷ đồng.
Đến năm 2021, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP đều được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Nguồn kinh phí nhà nước cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập giảm dần. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn tích cực: 8/15 tổng công ty, công ty mẹ có doanh thu hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng; 16/32 doanh nghiệp khối công ty độc lập có doanh thu trên 100 tỷ. 9/15 tổng công ty, công ty mẹ có lợi nhuận hằng năm trên 100 tỷ đồng. Việc thực hiện tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh đạt khá, bằng 171,65% so với chi phí tiết kiệm kế hoạch...
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát, đã trình bày báo cáo, trong đó nêu rõ, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp nguồn thu lớn nhất cho ngân sách. Vì vậy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng so với các tỉnh thành khác, có tác động trực tiếp đến số thu ngân sách. Vì lẽ đó, Tổ công tác cho rằng, sẽ là sâu sắc hơn nếu ngoài việc phản ánh tình hình, báo cáo có được những đánh giá, phân tích toàn diện về kết quả tiết kiệm, tình trạng lãng phí dựa trên các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đề ra trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN, tài sản công, lao động và thời gian lao động; đặc biệt công tác quản lý, sử dụng đất đai và những thất thoát, lãng phí cần rõ hơn. Cần đánh giá toàn diện hơn về những tồn tại, làm rõ nguyên nhân chủ quan của hạn chế, nêu rõ những tổ chức, cá nhân yếu kém, có hành vi phạm, gây thất thoát lãng phí đã được phát hiện trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mỗi nhận định cần có địa chỉ cụ thể.
Việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trách nhiệm trong một số vi phạm cần rõ ràng hơn. Cần báo cáo về biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình, nghiêm túc và làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm mang lại ý nghĩa động viên, lan tỏa và giúp nhân rộng những điển hình trên phạm vi toàn quốc.
Một số nội dung cần có thêm thông tin để nhận định, thuyết phục thì cần bổ sung số liệu cụ thể kết quả thực hiện, có minh chứng, dẫn chứng rõ ràng hơn. UBND TP đã nêu một số kiến nghị cụ thể đối với: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nhằm xử lý những vướng mắc về quy định của pháp luật cũng như trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương, trong đó có nhiều kiến nghị cụ thể, hợp lý, phù hợp với những yêu cầu đặt ra trên thực tiễn. Tổ công tác sẽ báo cáo cụ thể với Đoàn giám sát để tổng hợp chung, đề xuất thực hiện để góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách.
Các thành viên Đoàn giám sát đã chỉ ra một số vấn đề hạn chế cần khắc phục như: còn một số nội dung, thông tin, số liệu báo cáo chưa bám sát và chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát, một số thông tin chưa bảo đảm tính chính xác. Một số nhận định, đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, chưa rõ ràng. Nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo TP cần lãm rõ hơn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng đất đai, tài nguyên, nguồn lực…
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề nghị TP bổ sung số dự án được giao đất, thuê đất và diện tích đất được giao đất, được thuê, số dự án mà Nhà nước chưa hoàn thành việc bàn giao đất trên thực địa do tiến độ thu hồi đất chậm, làm rõ số dự án, diện tích đất tỉnh đã thu hồi do chậm triển khai. Đồng thời nêu rõ nguyên nhân, kết quả xử lý và giải pháp khắc phục các dự án treo đặc biệt là các khu tái định cư đang để hoang hóa. Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị UBND TP báo cáo rõ nguyên nhân, vướng mắc, tồn tại và những giải pháp khắc phục trong việc quản lý công sản, tiến độ xử lý các cơ sở phải thu hồi còn lại (64 cơ sở). Tình hình và tiến độ xử lý đối với cơ sở bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân chênh lệch số chỉ tiêu biên chế được giao giữa HĐND TP và Bộ Nội vụ giao; trách nhiệm, thẩm quyền bố trí theo quy định của pháp luật. Đề nghị UBND TP đề xuất phương án giải quyết cụ thể trong đó có căn cứ đến yếu tố đặc thù của địa phương. So với Hà Nội có tỷ lệ người dân/cán bộ là 38 người, thì tỷ lệ này ở TP. Hồ Chí Minh rất cao, 118 người, trong khi mức trung bình của cả nước chỉ là 72 người. Đề nghị TP tổng hợp tổng số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đã được thực hiện, tổng số các nội dung các cơ quan kiến nghị xử lý, tổng số các nội dung đã xử lý, tổng số nội dung đang xử lý (trong đó số nội dung không thể khắc phục, xử lý và nguyên nhân). Đồng thời, đề nghị TP Hồ Chí Minh căn cứ các quy định có liên quan để thực hiện, nhất là làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với các dự án công thực hiện, triển khai kém hiệu quả, gây lãng phí.
Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND TP cần đánh giá thực chất hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công tại các dự án, chú trọng đánh giá kết quả đầu ra; tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, nhất là tính hợp lý trong huy động nguồn lực ODA trong bối cảnh hiện nay; ưu tiên tập trung vốn vay cho đầu tư các dự án, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, có tác động lan tỏa với nền kinh tế mà khu vực tư nhân không thực hiện được, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, ưu tiên bố trí dự án hoàn thành, tiến độ giải ngân tốt; thu hồi vốn ứng trước, bố trí thanh toán nợ xây dựng cơ bản.
Trên cơ sở thực tiễn tổ chức thực hiện, đoàn giám sát đề nghị UBND TP đánh giá, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật, đưa ra đề xuất sửa đổi cụ thể những chính sách, pháp luật chưa hợp lý. Trong đó chú trọng các quy định liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Đoàn giám sát nghiên cứu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung để tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, bao quát, khả thi cho tổ chức thực hiện mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.