Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tiền thân là Quỹ đầu tư Phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh (HIFU) được thành lập năm 1997.
Sau khi đổi mô hình thành công ty đầu tư tài chính, HFIC là đơn vị đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực mà TP. Hồ Chí Minh ưu tiên. Trong đó, nổi bật là Công ty Xổ số kiến thiết TP. Hồ Chí Minh, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP. Hồ Chí Minh, Công ty Dệt may Gia Định, Chứng khoán HSC, Cơ điện lạnh REE, CII, HDBank, Thuduc House, Cholimex.
Đồng thời, công ty cũng huy động vốn từ tổ chức, cá nhân qua phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng, tiếp nhận các nguồn tài trợ, nhận ủy thác các nguồn vốn.
Theo báo cáo tài chính năm 2022, HFIC đã thu về khoản lãi trước thuế tăng đột biến lên tới 4.872 tỷ đồng (năm 2021 lỗ hơn 600 tỷ trước thuế). Bên cạnh kết quả kinh doanh, khoản lãi kể trên còn đến từ việc công ty được hoàn nhập khoản rủi ro cho vay với giá trị 1.965 tỷ đồng.
Cũng trong báo cáo tài chính 2022, các hoạt động kinh doanh thuộc nhóm công ty con của HFIC đều ghi nhận diễn biến khởi sắc. Nổi bật là Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết TP. Hồ Chí Minh khi mang lại 86% trong tổng số 12.572 tỷ đồng doanh thu của HFIC.
Bên cạnh đó, các nguồn thu khác của HFIC đến từ cho thuê bất động sản, xây lắp công trình, lãi tiền gửi - cho vay, hoạt động ủy thác đầu tư và tư vấn...
Tính đến ngày 31.12.2022, tổng tài sản của HFIC đạt hơn 16.200 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các khoản đầu tư của HFIC vào khoảng 10.155 tỷ đồng. Danh mục đầu tư bao gồm hơn 5.000 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào các đơn vị khác; hơn 3.900 tỷ đồng cho vay; gần 1.100 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và 150 tỷ đồng đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu HFIC tăng hơn 30% lên khoảng 11.150 tỷ đồng. Trong đó, công ty còn gần 2.860 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Nợ phải trả tăng nhẹ nhưng chủ yếu là thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. Riêng nợ vay giảm 9% về còn hơn 1.600 tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay lại Bộ Tài chính.
Mặc dù lãi đậm trong năm 2022 nhưng sang năm 2023, HFIC lên kế hoạch đi lùi. Tổng doanh thu dự kiến hơn 510 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 300 tỷ đồng.
Phát hiện nhiều thiếu sót, hạn chế tại HFIC
Thanh tra TP. Hồ Chí Minh ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 104/TB-TTTP-P7 ngày 17.11.2022 về thanh tra phòng, chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) giai đoạn 2020 - 2021. Kết quả thanh tra chỉ ra một số thiếu sót, hạn chế.
Theo thông báo kết luận thanh tra, HFIC chưa trích lập dự phòng 10 khoản nợ với số tiền hơn 154 tỷ đồng là thực hiện chưa đúng quy định. Công ty đối chiếu, xác nhận công nợ chưa đầy đủ, chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ, có những khoản nợ kéo dài.
Lợi nhuận sau thuế tính đến ngày 31.12.2020 của HFIC chưa phân phối khoảng 1.165 tỉ đồng, đây là số trích lập Quỹ Đầu tư phát triển từ 30% lợi nhuận sau thuế và các quỹ khác HFIC chưa kết chuyển do chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt báo cáo tài chính và phân phối lợi nhuận năm.
HFIC chưa trích nộp 20% số Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ đã trích sử dụng không hết năm 2015, 2016 và chưa nộp khoản trích từ năm 2019 số tiền hơn 3,4 tỉ đồng về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; chưa nộp ngân sách số lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác số tiền gần 14 tỉ đồng.
Về hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, giá trị vốn góp của HFIC tại 28 doanh nghiệp trong năm 2020 - 2021 khoảng 3.465 tỉ đồng. Việc đầu tư tài chính của HFIC cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, nhưng có một số công ty không chia lợi nhuận, cổ tức.
Trong 28 doanh nghiệp trên, có 7 doanh nghiệp bị lỗ với tổng số lỗ lũy kế đến cuối 2021 là 349 tỉ đồng. Dù HFIC đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ nhưng 7 doanh nghiệp bị lỗ này khó có khả năng bảo toàn vốn đầu tư.
Đối với việc cử người đại diện vốn, HFIC chưa cử người đại diện vốn kịp thời đối với khoản đầu tư tại Công ty CP Cơ điện Thạch Anh. Người đại diện phần vốn của HFIC tại một số công ty cổ phần tuy có báo cáo nhưng chưa đề xuất biện pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn.
Giai đoạn từ năm 2012 - 2015, khi thực hiện thoái vốn tại 4 đơn vị (Công ty CP In Thanh niên, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh, Công ty CP Xây dựng cầu Sài Gòn), HFIC thu được hơn 176 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, khi thoái 16,5% vốn đầu tư tại Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, HFIC thu được gần 173 tỉ đồng tiền lãi.
Từ những nội dung trên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giao Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc HFIC nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước theo đúng quy định.
Đồng thời, xây dựng giải pháp đầu tư, phương án kinh doanh, chú ý công tác lập kế hoạch năm đảm bảo tỷ lệ tăng theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn Nhà nước.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu HFIC chấn chỉnh công tác quản lý, đối chiếu công nợ, phải thu đúng theo quy định; rà soát và có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản nợ phải thu quá hạn để đảm bảo thu hồi vốn, nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của HFIC.
Đối với hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn vào các doanh nghiệp, HFIC xây dựng phương án tái cơ cấu hoặc thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư không có lợi nhuận và bị lỗ đảm bảo không gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước và đúng quy định; thực hiện việc thoái vốn đầu tư tài chính ngoài ngành, không làm thiệt hại vốn Nhà nước và đúng theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu lãnh đạo HFIC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót đã nêu trên.