Báo cáo giám sát chuyên đề sẽ được đưa ra xem xét tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khai mạc sáng nay, 5.12, để các đại biểu đề xuất thêm những giải pháp hữu hiệu, khả thi.
Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm
Qua giám sát thực thế, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận: UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh; thành lập, kiện toàn các Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã; Liên ngành Quân sự, Kiểm lâm, Công an ở cấp tỉnh và các địa phương đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng Kiểm lâm từ tỉnh đến cơ sở; kiện toàn, bổ sung 40 chốt bảo vệ rừng được bố trí tại các khu vực trọng yếu, nằm sâu trong vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hợp đồng với 84 nhân viên bảo vệ rừng là người dân địa phương hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ quan trọng, có nguy cơ bị xâm hại cao, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang trồng được 81.195,07ha rừng, bình quân mỗi năm trồng trên 11.500ha rừng. Việc trồng rừng thay thế được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Toàn tỉnh khai thác rừng trồng diện tích 63.544,2ha, sản lượng 6.302.816,7m3; bình quân khai thác trên 1,0 triệu m3/năm (đứng đầu 10 tỉnh miền núi phía Bắc về sản lượng gỗ rừng trồng). Công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm được quan tâm, chỉ đạo, giai đoạn 2016 - 2022 đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý tổng số 2.990 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, số vụ vi phạm hàng năm đều giảm về quy mô, tính chất, mức độ vi phạm.
Lồng ghép hiệu quả các chính sách phát triển lâm nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã thẳng thắn: chỉ ra việc phát triển, mở rộng quy mô diện tích để hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung quy mô lớn bằng giống cây chất lượng cao ở một số huyện còn hạn chế, diện tích trồng ở một số huyện đạt thấp (huyện Na Hang 68ha, Lâm Bình 150,5ha). Công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng còn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh chưa rà soát, đánh giá để xác định những loài dược liệu phù hợp với điều kiện lập địa, sinh thái, chưa ban hành văn bản hướng dẫn, giám sát người dân phát triển trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, rừng trồng nên chưa có đủ điều kiện để phát triển. Nhiều địa phương xây dựng, ban hành kế hoạch phát triển cây dược liệu nhưng đến nay chưa thực hiện. Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập, kinh tế của đa phần hộ trồng rừng còn thấp.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tiếp tục chỉ đạo phát triển lâm nghiệp thành ngành sản xuất chủ lực, góp phần quan trọng giảm nghèo bền vững và làm giàu cho người dân sản xuất lâm nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, định hướng cụ thể vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung và các sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng từng vùng; tiếp tục đẩy mạnh thâm canh trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn theo hướng quản lý rừng bền vững, duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng, tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC) theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đoàn giám sát nhấn mạnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện lồng ghép hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến phát triển lâm nghiệp, trọng tâm là Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức đánh giá hiệu quả chính sách trồng rừng bằng cây giống chất lượng cao để có cơ sở vững chắc tuyên truyền đến người dân; đánh giá việc áp dụng các quy định, điều kiện thụ hưởng chính sách để có cơ sở tham mưu, điều chỉnh (loài cây, quy mô, đối tượng thụ hưởng) bảo đảm các quy định của pháp luật và thực tiễn sản xuất ở địa phương nhằm tăng nhanh diện tích rừng trồng bằng giống chất lượng cao....