Tôn vinh người trồng lúa Việt Nam
Chương trình lễ khai mạc Festival gồm 12 tiết mục nghệ thuật và múa lân sư rồng, trống hội. Các tiết mục nghệ thuật sẽ là những bài hát quảng bá ngành hàng lúa gạo, cũng như hình ảnh, con người trồng lúa Việt Nam từ thời sơ khai đến khi hạt gạo Viêt Nam vươn tầm thế giới. Trong đó, tôn vinh người trồng lúa khi được nhấn mạnh về sự “Thịnh vượng khởi đầu từ người nông dân trồng lúa”.
Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là sự kiện quy mô, tầm cỡ nhất trong suốt 14 năm qua kể từ khi Festival lúa gạo lần thứ Nhất được tổ chức vào năm 2009. Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam” ngợi ca vẻ đẹp của quê hương đất nước làm nổi bật chủ đề của Festival, góp phần để lại những ấn tượng tốt đẹp với cộng đồng quốc tế và Nhân dân cả nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Nhiều thập niên về trước, chạy gạo từng bữa từng là nỗi lo toan thường nhật. Giờ đây, cây lúa mở ra đường lớn: đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về sản lượng, và cả chất lượng. Gạo Việt Nam được vinh danh trong nhóm gạo ngon nhất thế giới. Thành tựu này ghi nhận sự đóng góp miệt mài, cần mẫn của bao người gắn bó với cây lúa quê hương, từ người nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học, các thương lái xuôi ngược khắp nơi đến cộng đồng doanh nghiệp…, cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo”
Khẳng định quyền lợi và trách nhiệm của người trồng lúa Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và là một phần không thể tách rời với chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo toàn cầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các giải pháp khoa học kĩ thuật phù hợp, đồng bộ dựa trên việc tiếp nối những kinh nghiệm tri thức bản địa, với tinh thần gìn giữ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, là cách thức mà đội ngũ nông dân chuyên nghiệp tại Việt Nam đã và đang thực hiện, để hướng tới những cánh đồng “phát thải thấp”, để con nước, độ phì nhiêu của đất được thấu hiểu và trân trọng; Giá trị truyền thống “thuận tự nhiên” tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối và mỗi vuông lúa nhỏ cũng được kết nối đến thị trường, bằng giải pháp định vị, truy xuất nguồn gốc tiên tiến.
Phát biểu trực tuyến từ Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm có những thời cơ thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, nhưng thách thức nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên có thể nói, đến thời điểm này kinh tế Việt Nam tương đối ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, nợ công, nợ chính phủ, nước ngoài bội chi ngân sách được kiểm soát tốt, nhất là thu thì đủ chi, làm đủ ăn, đặc biệt xuất khẩu gạo có thể đạt 8 triệu tấn trong năm 2023. Điều này thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong những lúc khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh: Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023 nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thân thiện, cần cù, mến khách, yêu lao động và quảng bá nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm của Việt Nam. "Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch 1 triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ mang tính toàn dân, toàn cầu; Thể hiện trách nhiệm của mình với quốc tế trong chống biến đổi khí hậu và xây dựng nền nông nghiệp phát thải thấp".
1 triệu ha lúa chất lượng cao
Cùng ngày, Bộ NN và PTNT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức phát động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan, Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết.
Hiện nay, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình. Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai tại 12 tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (trừ Bến Tre) đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Có mặt tại buổi lễ, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cam kết, WB sẽ đồng hành và hỗ trợ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN và PTNT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng nhận được kết quả của giảm phát thải từ dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT); Hỗ trợ các cơ chế để Việt Nam có thể tham gia thị trường cacbon tự nguyện, qua đó sử dụng nguồn tài chính bền vững tiếp tục đầu tư cho các hoạt động phát triển và hỗ trợ sinh kế cho người dân.