Ở Điều 9, Khoản 2, đề nghị cần thể hiện rõ và cụ thể hơn vai trò của tổ chức chính trị, xã hội trong hệ thống chính trị ở nước ta, trong việc đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia quản lý Nhà nước, xã hội và thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Quy định rõ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội không phải là thể hiện sự không bình đẳng với các tổ chức xã hội khác mà nó phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, đó là một đảng lãnh đạo, các tổ chức chính trị xã hội là những tổ chức cách mạng của Đảng, ra đời ngay sau khi có Đảng. Đây cũng là các thành viên nòng cốt của Mặt trận. Vì vậy cần có hành lang pháp lý cao nhất cho các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho.
Về vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, đoàn thể nhân dân đã được quy định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và tiếp tục được quy định trong Cương lĩnh năm 2011. Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI cũng nêu rõ: xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Nếu thể hiện như trong dự thảo thì chúng ta có thể hiểu Mặt trận và tất cả các tổ chức, thành viên đều có vai trò giám sát và phản biện xã hội thì cái này nó cũng không đúng với Nghị quyết Trung ương 4 và thể hiện như ở trong dự thảo thì Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội chỉ có vai trò là động viên nhân dân thực hiện giám sát phản biện xã hội.