"Tôi, KP Sharma Oli, nhân danh đất nước và Nhân dân, xin cam kết sẽ trung thành với Hiến pháp... và hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là Thủ tướng", ông phát biểu tại lễ tuyên thệ.
Lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng vào năm 2015, ông được bầu lại vào năm 2018 và sau đó được bổ nhiệm lại trong thời gian ngắn vào năm 2021.
Trước đó, ngày 14.7, Quốc hội Nepal đã bầu Chủ tịch CPN-UML là ông Oli làm Thủ tướng mới sau khi Thủ tướng đương nhiệm, ông Pushpa Kamal Dahal buộc phải từ chức do không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sau 18 tháng nắm quyền.
Ông Pushpa Kamal Dahal, từng là một đồng minh của ông Oli, đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hôm 12.7 vừa qua do không còn nhận được sự ủng hộ của đảng CPN-UML trong liên minh và buộc phải từ chức.
Sau đó, ông Sharma Oli đã ký thỏa thuận liên minh với đảng Quốc đại của ông Sher Bahadur Deuba và trở thành thủ tướng. Ông Oli đã hứa sẽ trao lại chức vụ này cho cựu thủ tướng năm nhiệm kỳ Deuba, 78 tuổi, vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Nepal dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2027.
Nepal đã trở thành nước Cộng hòa liên bang vào năm 2008 sau cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ, cũng như sau thỏa thuận hòa bình, theo đó bãi bỏ chế độ quân chủ.
Trong những năm dưới thời Thủ tướng Oli, nước cộng hòa nằm trên dãy Himalaya với khoảng 30 triệu dân này đã khéo léo giữ được sự cân bằng giữa các nước láng giềng, thân thiện với cả hai và tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.
Nhưng nhà báo chính trị Binu Subedi cho biết mặc dù Thủ tướng Oli là một gương mặt cũ trong Quốc hội, ông vẫn phải đối mặt với những thách thức mới từ việc tái thiết các khu vực vừa bị động đất tàn phá và xoa dịu các cuộc biểu tình trên đường phố cho đến xoa dịu căng thẳng với nước láng giềng Ấn Độ. Nhiệm vụ trước mắt của ông là xoa dịu các cuộc biểu tình ở vùng đồng bằng phía nam đất nước do việc thông qua Hiến pháp mới, nhằm mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ sau nhiều thập kỷ bất ổn chính trị và nội chiến.