Từ cội nguồn bản sắc
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm. Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã in sâu vào tâm khảm mỗi người con đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng nghìn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn đất nước mãi là biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn kết toàn dân tộc.
Cố GS. Trần Quốc Vượng trong bài nghiên cứu có tựa đề Căn bản triết lý đền Hùng và giỗ Tổ vua Hùng cho rằng đền Hùng là đền thờ Tổ, không phải Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng, thậm chí riêng một vùng, mà là Tổ của cả nước. Về mặt triết lý tín ngưỡng dân gian, Tổ Hùng đã trải qua quá trình siêu việt tâm linh vượt lên mọi thức Tổ cụ thể, để đạt tới mức Tổ toàn vẹn, căn bản, triệt để. Bởi thế, “lễ hội Đền Hùng cũng không chỉ dừng lại ở ngày Giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên, không chỉ là cuộc hành hương về đất Tổ, đất thánh hay là đất phát tích của một dòng vua đầu tiên mà thực sự trở thành một bức bách tâm linh: trở về nguồn cội dân tộc”.

Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa. Các chuyên gia nhận định không đâu có thể tạo được hình tượng Quốc Tổ trong lòng dân tộc như ở Việt Nam. Hình thức thờ Quốc Tổ của Việt Nam là hình thức phóng đại của thờ cúng tổ tiên vì người Việt coi dân tộc như một gia đình, có cha có mẹ, có “tháng 8 giỗ cha tháng 3 giỗ mẹ”. Nói đến giá trị văn hóa tâm linh thì đây là ý thức nối kết cộng đồng bện chặt.
Như lời cố GS.TS. Ngô Đức Thịnh “Quốc gia phải có nơi quy tụ mà sự quy tụ này rất ăn khớp với tâm thức của người Việt là hướng về cội nguồn, cộng đồng, tổ tiên của mình. Hình thức này ngày càng được vun đắp, vì người ta nhìn thấy ở đó sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh quy tụ dân tộc… Do đó, lễ giỗ Quốc Tổ là một sự sáng tạo, một nghi thức hết sức độc đáo của Việt Nam. Có thể ở các nước cũng có hình thức tương tự nhưng chỉ là tín ngưỡng thờ cúng, còn lễ hội hằng năm thì chỉ Việt Nam mới có” (bài nghiên cứu Quốc Tổ Hùng Vương, biểu tượng cội nguồn của quốc gia).
Bồi đắp sức mạnh dân tộc
Cây có gốc, nước có nguồn, chim tìm tổ, người tìm tông… Theo quy luật đó, tâm thức của nhân dân ta từ bao đời khắc ghi ơn vua Hùng là vị vua thủy tổ dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Từ uy linh này, ý thức cộng đồng được hình thành và phát triển, từ gia đình đến gia tộc, hàng xóm láng giềng rồi mở rộng ra cả nước dựa trên mối quan hệ huyết thống dòng máu Lạc Hồng, cùng chung một bọc.
Bởi vậy, chính sử nước Việt đã hệ thống các huyền thoại Hùng Vương, soạn thảo ngọc phả vua Hùng, lấy đó làm căn cốt để xây dựng và củng cố quốc gia tự chủ, chỗ dựa tinh thần trước sức ép, đe dọa xâm lược của các thế lực bên ngoài. Tư tưởng cố kết quốc gia, dân tộc được thể hiện ngay trong đôi câu đối trước cổng Đền Hùng: Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn quy bản tích/ Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn (Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối/ Lên cao nhìn khắp, trập trùng đồi núi cháu con đông).

Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Nguồn: BPT
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, tập tục thờ cúng Hùng Vương đã được khẳng định sớm trong cuốn Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh nhuận chính (sửa, trau chuốt) vào năm Hồng Đức thứ 23 (1492), tiếp nối những thần thoại trước đó ở đất Lĩnh Nam, khẳng định sâu sắc nền độc lập của quốc gia. Điều này được duy trì trong suốt lịch sử phong kiến. Đặc biệt, bước sang thời đại Hồ Chí Minh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương càng trở thành nguồn năng lượng hiện hữu bồi đắp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Vào những năm tháng đất nước dưới gót sắt phát xít Nhật và thực dân Pháp, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ âm thầm hương khói trên đất Tổ mà còn được Mặt trận Việt Minh đưa về tổ chức trọng thể tại Hà Nội, trong khuôn viên của Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội). Ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/LCT đưa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ chính thức, cho phép viên chức nghỉ lễ để khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Ước mơ về sự phồn vinh quốc gia
Các nhà nghiên cứu chỉ ra quá trình hình thành hệ ý thức, ký ức lịch sử thời vua Hùng là kết quả của sự vận động lịch sử, vừa là sản phẩm của văn hóa dân gian, thông qua các huyền thoại, truyền thuyết, các phong tục nghi lễ thờ tổ tiên của các gia tộc, dòng họ, vừa là sự kết tinh ý thức của văn hóa bác học của các nhà trí thức, bậc minh quân của các triều đại. Bởi vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, vượt qua thăng trầm thời gian, vượt lên sự khác biệt của các chế độ xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng… để mang tính biểu tượng cao nhất - biểu tượng cội nguồn.
Soi chiếu ở lăng kính lịch sử và văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người Việt có hai ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là khẳng định nền độc lập của quốc gia được xây dựng trong lịch sử và hướng về cội nguồn chung của đất nước, dân tộc”. Còn theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, “có thể coi đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ lâu dài, vĩnh viễn và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc”.
Cùng với thời gian, sức mạnh của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng được phát huy, quy tụ sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. GS.TS.NGND. Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam. Hai chữ “đồng bào” đã nói lên điều đó. “Đồng” là cùng, “bào” là bọc, “đồng bào” là cùng một bọc. Đó là một mối quan hệ đặc biệt.
Thời đại mới đòi hỏi mỗi cá nhân và toàn thể dân tộc cần một nền tảng tinh thần vững chắc để đối mặt với thách thức và bắt kịp sự phát triển. Trong thời đại mới, việc giữ gìn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không đơn thuần tưởng nhớ mà khẳng định bản sắc, nâng cao giá trị văn hóa, truyền cảm hứng mạnh mẽ.
“Từ năm 1942, giáo dục cách mạng Việt Nam đã nhấn mạnh rất nhiều vai trò của Hùng Vương. Đến năm 1954, khi cùng đại đoàn quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô, dừng chân tại đền thờ Tổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. “Giữ lấy nước” không chỉ có ý nghĩa giữ biên cương, đất đai mà là giữ cho được hồn thiêng sông núi. Hồn thiêng sông núi đó chính là giá trị văn hóa, giá trị làm người Việt Nam - nền tảng để xây dựng đất nước trong thời đại mới”, GS.TS.NGND. Trần Văn Bính nói.