"Không phải cứ khuyến khích là có ngay tác phẩm đỉnh cao"
“Văn học là một trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người và phản ánh những giá trị xã hội, là tiếng nói của con người trước lịch sử, cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, bảo đảm văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận xu hướng sáng tạo mới”.

Đây là gợi mở của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học sáng 4.4. Ông cũng chỉ ra nhiều khoảng trống và thách thức trong quản lý, khuyến khích phát triển văn học như chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh tạo điều kiện cho nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; các trại sáng tác chưa phát huy hiệu quả; hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm hạn chế… “Xây dựng Nghị định là bước tiến quan trọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của văn học Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhìn nhận.
Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học gồm 7 chương, 34 điều. Một nội dung đáng chú ý là xây dựng Giải thưởng Văn học quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đánh giá đây là điểm mới, sẽ có tác động lớn đến đời sống văn học nước nhà, khuyến khích các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Tuy nhiên, cần làm rõ quy định về hội đồng chấm giải, quy tụ đội ngũ uy tín, chuyên sâu.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, nhà văn Đặng Thị Thúy cho rằng, đánh giá giá trị của tác phẩm cần cơ chế, tiêu chuẩn rõ ràng hơn đối với hội đồng thẩm định, hội đồng giám khảo. Có thể quy định tiêu chuẩn hội đồng chuyên môn gồm nhà văn, nhà lý luận, phê bình có trình độ đào tạo, học hàm, học vị, uy tín chuyên môn, đóng góp, ảnh hưởng tích cực trong văn đàn.
Quan tâm chính sách hỗ trợ tác giả, Phó trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật, Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Bùi Thế Đức nhìn nhận “Cơm áo không đùa với khách thơ. Kinh tế không có cũng khó tập trung sáng tạo trong bối cảnh đời sống mới. Xây dựng Nghị định nên thiết kế theo hướng mở, khuyến khích tận dụng nguồn lực kích thích sáng tạo của nhà văn”. Tuy nhiên, khuyến khích như thế nào cần nhìn nhận, tính toán kỹ, như lời Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Văn chương, sáng tác rất “khó nói”, không phải cứ khuyến khích là có ngay tác phẩm đỉnh cao”.
Xây dựng hệ sinh thái văn học
PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận việc xây dựng dự thảo Nghị định xác định trọng tâm là “khuyến khích phát triển văn học”. Từ đây, cần nhận thức rõ nét mục tiêu hướng tới của nền văn học Việt Nam, từ đó có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển. “Đối sánh với lĩnh vực gần văn học là điện ảnh, Luật Điện ảnh (2022) đã thiết kế Điều 4 về “Nguyên tắc hoạt động điện ảnh”. Đó là hình mẫu, chuẩn mực hướng tới để có nền điện ảnh phát triển. Nhìn sang văn học, điều này càng đặc biệt quan trọng khi văn bản quy phạm pháp luật xác định về khuyến khích phát triển”.

Xây dựng nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học được coi là bước tiến quan trọng cho sự phát triển của văn học Việt Nam
Chính sách về khuyến khích phát triển văn học còn là tạo nguồn nhân lực văn học gắn với giải pháp cụ thể, đồng bộ, khích lệ, tạo điều kiện tối đa và rộng mở cho sự nảy nở, phát triển của những tài năng trẻ. Từ góc độ cơ sở đào tạo, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, TS. Đỗ Thị Thu Thủy bình luận: dự thảo Nghị định cần đề cập đến cơ chế, chính sách, quy định cụ thể khuyến khích, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học như chính sách cấp học bổng và hỗ trợ học phí cho sinh viên, học viên, học sinh có năng khiếu văn học theo học các chuyên ngành văn học, sáng tác; hỗ trợ kinh phí cho nhà văn trẻ, tác giả có tiềm năng và triển vọng phát triển tốt được tham gia trại viết, đào tạo, bồi dưỡng...
“Dự thảo Nghị định không đề cập, quy định riêng tới vấn đề đào tạo, bồi dưỡng do liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, song trên thực tế vấn đề này không tách rời những nội dung đặt ra trong Nghị định nhằm tạo cơ chế khuyến khích sáng tạo tác phẩm văn học đỉnh cao”, TS. Đỗ Thị Thu Thủy nhìn nhận.
Có hành lang pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn học cũng là góp phần bồi dưỡng tinh thần người Việt. Nhận định như vậy, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành quan điểm phải đề ra mục tiêu hướng tới của văn học Việt Nam và xác định đó phải là nền văn học của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam. Trên cơ sở đó, có chính sách khuyến khích khai thác chủ đề văn hóa, lịch sử, cách mạng… Đồng thời, xem xét văn học ở góc độ công nghiệp văn hóa, là đầu vào của các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc…, thể hiện vai trò vì sự nghiệp phát triển đất nước.
“Phát triển văn học trong bối cảnh mới cần chú ý xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ văn học. Trong hệ sinh thái ấy không chỉ đề cập đến đối tượng sáng tạo mà cả những yếu tố xung quanh, bao gồm sự phát triển của khoa học, công nghệ, các nền tảng quảng bá, phổ biến văn học… Đặc biệt, phải kiên trì quan điểm Nhà nước chỉ định hướng, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi; để đời sống văn học phát triển bền vững cần không gian mở cho toàn xã hội tham gia. Tạo ra hiệu ứng trăm hoa đua nở nhưng có sự dẫn dắt của Nhà nước sẽ giúp đời sống văn học phát triển, hòa nhập với xu thế chung thế giới”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.