
Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống càng trở nên cấp thiết, góp phần làm giàu thêm bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển toàn diện và bền vững.
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam được khởi nguồn từ thời đại các Vua Hùng, những người đã đặt nền móng đầu tiên cho quốc gia Văn Lang - nhà nước sơ khai đầu tiên của nước ta. Dù trải qua biết bao thăng trầm, nhưng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tâm hồn người Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương không đơn thuần là một ngày lễ, mà là lời nhắc nhở thiêng liêng rằng: chúng ta là con cháu Lạc Hồng, mang trong mình dòng máu kiên cường, bất khuất và nhân ái.
Trong thời đại toàn cầu hóa và Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, đất nước đang đứng trước những vận hội lớn, song cũng đầy thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình phát triển theo định hướng kiên định: xây dựng nền kinh tế tự chủ, hiện đại hóa công nghiệp - nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân và giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Trong tiến trình ấy, bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có những giá trị truyền thống như Giỗ Tổ Hùng Vương, không được phép mai một mà cần được bảo tồn và phát huy như một nguồn lực tinh thần to lớn. Hướng về cội nguồn trong kỷ nguyên mới không có nghĩa là chỉ quay về quá khứ, mà còn là cách để tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực cho tương lai.
Chúng ta tôn vinh các Vua Hùng không chỉ bằng những nghi lễ trang trọng, mà còn bằng những hành động thiết thực: giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, gìn giữ tiếng Việt, bảo tồn văn hóa dân gian, lan tỏa các giá trị truyền thống qua các phương tiện truyền thông hiện đại.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và đang thực hiện công cuộc “Bình dân học vụ số”, tinh thần Giỗ Tổ cần được thổi một luồng gió mới: đó là sự đổi mới trong tư duy, sự sáng tạo trong hành động, là tinh thần dám nghĩ - dám làm - dám vượt lên chính mình. Tinh thần “con Lạc cháu Hồng” hôm nay phải biết gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa lòng yêu nước với năng lực hành động để góp phần xây dựng đất nước hùng cường.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ, mà còn là một lời nhắc nhở sâu sắc: dù ở đâu, làm gì, mỗi người Việt Nam đều mang trong mình dòng máu chung, trách nhiệm chung với Tổ quốc. Trong kỷ nguyên mới, việc giữ gìn cội nguồn không hề cản trở phát triển - trái lại, đó chính là nền móng vững chắc để dân tộc ta đi xa hơn, mạnh mẽ hơn, trường tồn hơn.
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - lời dạy thiêng liêng ấy của Bác Hồ mãi là kim chỉ nam cho mỗi người con đất Việt trên hành trình hội nhập và phát triển. Thanh niên hôm nay - lớp người đi đầu trong kỷ nguyên đổi mới - cần hiểu rõ gốc rễ của dân tộc để từ đó vững bước hội nhập quốc tế với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Những giá trị lịch sử như tinh thần đại đoàn kết, lòng yêu nước, đức hy sinh của tổ tiên phải trở thành động lực nội sinh để dân tộc vượt qua khó khăn, chinh phục những đỉnh cao mới.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay không chỉ là dịp tưởng niệm các bậc tiền nhân, mà còn là thời điểm để chúng ta cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm gìn giữ non sông, phát triển đất nước trong thời đại mới.
Hướng về cội nguồn để khẳng định bản sắc, nuôi dưỡng khát vọng hùng cường và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó chính là con đường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang bền bỉ thực hiện dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng đổi mới, thực tiễn và nhân văn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngày Giỗ Tổ - ngày hội lớn của dân tộc - vì thế không chỉ là ký ức, mà còn là lời hứa với tương lai. Hướng về cội nguồn để đi xa hơn, vững chắc hơn - đó là tinh thần thời đại mà dân tộc Việt Nam đang kiêu hãnh tiếp bước.