“Cử chỉ rất ý nghĩa” trong ngày Giỗ Tổ năm 1946
Ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày Hùng Vương (10.3 Âm lịch). Theo đó, các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa; viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương trong ngày Hùng Vương.

Ngay sau khi ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất, tức 11.4.1946, buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội). Cũng trong ngày này, thừa ủy quyền Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Báo Cứu quốc số 214, ngày 13.4.1946 viết về ngày giỗ Tổ tại Đền Hùng: “Ngày giỗ Tổ năm nay trong toàn cõi Việt Nam tỉnh nào cũng làm lễ rất long trọng, và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm của ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều.
Dưới những lá cờ đỏ sao vàng reo mừng trước gió và tự vươn mình trên những cây cả non cao, chỗ này phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và chống nạn mù chữ; chỗ kia gian hàng bày sách báo và những bức chân dung cụ Hồ. Nào hàng quà kiến quốc của chị em “Phụ nữ kiến quốc”, nào quán chống xâm lăng của anh em V.N.Q.D.Đ (Việt Nam Quốc dân đảng - NV)… Rất nhiều khẩu hiệu: Việt Nam thống nhất, Tổ quốc muôn năm, Sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh Hồ Chủ tịch… treo ngang khắp các ngả đường từ chân núi tới đỉnh núi”.

Vẫn theo bài báo, sáng mồng 10, ngày chính giỗ, có cả quan khách Trung Hoa đến dự. “Trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ đền Trung lên đền Thượng, cụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Huỳnh Thúc Kháng - NV), cụ Chủ tịch Thường trực Quốc hội (Nguyễn Văn Tố - NV) và ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ (Nguyễn Xiển - NV) làm bồi tế. Nhưng trong nghi lễ này ta cũng thấy một cử chỉ rất ý nghĩa là đại biểu Chính phủ và Quốc hội dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất Bắc, Trung, Nam và lá cờ đỏ sao vàng lên ban thờ Tổ quốc làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩa thiêng liêng về đất nước. Và có lẽ ai nấy trong lòng cùng thề nguyền: quyết giữ vững non sông và bảo vệ ngọn cờ”.
Hai lần Bác về thăm Đền Hùng
Tháng 9.1954, việc chuẩn bị tổ chức về tiếp quản Hà Nội diễn ra khẩn trương và dồn dập. Bên cạnh những cơ quan Dân - Chính - Đảng của Trung ương và Hà Nội, Đại đoàn quân Tiên phong (nay là Sư đoàn bộ binh 308, Quân đoàn 12) vinh dự được chọn vào tiếp quản Thủ đô. Chiều tối 18.9.1954, lệnh truyền xuống cho mỗi đại đội, mỗi ban chỉ huy tiểu đoàn cử một cán bộ chính trị hoặc quân sự khẩn trương có mặt tại Đại đoàn để đi “Quán triệt nhiệm vụ mới” ngay trong đêm…
Bằng nhiều ngả đường hành quân và bằng nhiều phương tiện, sáng ngày 19.9.1954, chừng gần 100 cán bộ các cấp thuộc Đại đoàn quân Tiên phong, do Chính ủy Song Hào trực tiếp chỉ huy đã có mặt tại Khu di tích Đền Hùng lịch sử, nơi được chọn để tổ chức cuộc gặp của cán bộ Đại đoàn với “Thượng cấp”.
Cũng trong ngày 18.9.1954, từ cơ quan chính phủ đóng ở Vai Cầy, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác Hồ cùng cán bộ Văn phòng Tổng quân ủy và chiến sĩ bảo vệ đi trên chiếc xe con mang biển số KT-032 và một chiếc xe nữa đi cùng, xuất phát từ sáng sớm, đi về hướng Phú Thọ. Đêm 18.9, Bác và các đồng chí cùng đi nghỉ qua đêm ở nhà tăng trong đền Giếng ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Sáng 19.9, đồng chí Song Hào, đến báo cáo công việc với Bác và cùng Bác leo núi đi thăm Đền Hùng.

Bác Hồ thăm Đền Hùng năm 1962
Từ chân núi lên đỉnh, Bác cháu lần lượt thăm đền Hạ, Chùa, đền Trung, đền Thượng và viếng mộ Tổ. Nhiều lần Người dừng lại đọc các hàng chữ trên bia, hoặc trên chuông. Ngay tại trước cửa chùa, bên gốc cây thiên tuế, Người dừng lại nghe đồng chí Song Hào báo cáo kỹ tình hình mọi mặt của Đại đoàn. Khoảng hơn 9 giờ, Bác và các đồng chí cùng đi trở lại đền Giếng, nói chuyện với cán bộ Đại đoàn.
Mở đầu bài nói chuyện, Bác giới thiệu tóm tắt về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, về Hùng Vương, rồi căn dặn cán bộ Đại đoàn phải quán triệt nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô, phải không ngừng rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lễ tiết quân nhân, giữ nghiêm kỷ luật, phải làm tốt quan hệ quân dân… Kết thúc bài nói chuyện, Bác đã nói câu bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lần thứ hai, Bác về Đền Hùng trong chuyến thăm, động viên Nhân dân Phú Thọ ngày 18 - 19.8.1962. Ngày 18.8.1962, Bác dự mít tinh cùng Nhân dân Phú Thọ kỷ niệm lần thứ 23 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Sau đó, Bác đi thăm một số đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Sáng 19.8.1962, Người dành thời gian về Đền Hùng để viếng tổ tiên. Sau khi dâng hương bái Tổ tại đền Thượng, Bác dặn dò cán bộ, Nhân dân Phú Thọ phải tu sửa, gìn giữ di tích và trồng cây phủ xanh các đồi trọc, chăm sóc, vườn hoa cây cảnh, xây dựng công viên lịch sử Đền Hùng để con cháu cả nước về thăm viếng.
Tiếp nối truyền thống trân trọng các di sản văn hóa của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã cho tiến hành nhiều dự án tu bổ, nâng cấp Khu di tích lịch sử Đền Hùng và ra nhiều văn bản tiếp tục quan tâm thiết thực tới Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Năm 2000, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương theo nghi thức quốc gia. Năm 2001, Chính phủ ra Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi thức nhà nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10.3 Âm lịch các năm tròn, chẵn 5 năm một lần; các năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Năm 2007, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 73, Bộ luật Lao động năm 1994, quy định người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 Âm lịch hàng năm.