Dự Hội thảo có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi; Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1 Hoàng Văn Hoan…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Trong đó, Nghị quyết đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.
Thu hút đầu tư của doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh. Do đó, Hội thảo là cơ hội quý báu để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của Nghệ An; chia sẻ, học tập thêm nhiều kinh nghiệm doanh nghiệp từ các tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu về thu hút đầu tư các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi cho rằng, các tham luận và thảo luận của Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực, những kinh nghiệm quý báu, những gợi mở quan trọng để tỉnh Nghệ An tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần tạo nên một “kỳ tích sông Lam”, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng: Kết quả thu hút đầu tư chưa xứng tầm với dư địa phát triển của tỉnh Nghệ An; quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh; công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế; vẫn còn nhiều dự án đầu tư tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Các tham luận cũng đã chỉ ra những nguyên nhân của kết quả đạt được và những hạn chế khó khăn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến đầu tư… thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm thu hút đầu tư của doanh nghiệp của các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… nhằm nhân rộng ở các địa phương khác mà Nghệ An có thể tham khảo để thực hiện có hiệu quả hơn việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh nhà.
Nhiều ý kiến cũng đã bàn về các giải pháp thu hút các dự án quy mô lớn, có tính động lực phát triển, theo hướng phát triển bền vững, thu hút đầu tư xanh, tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực 1 Hoàng Văn Hoan nhấn mạnh: Thời gian tới, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng phát triển bền vững chắc chắn sẽ cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Những đóng góp quý báu của các nhà khoa học, của các quý vị đại biểu tại hội thảo là cơ sở tham khảo cho tỉnh Nghệ An xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.