Theo EY, trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định, môi trường địa chính trị của năm 2023 có thể được định hình bởi một số diễn biến hàng đầu sau:
Chiến tranh ở Ukraine
Có thể nói, cuộc chiến ở Ukraine đã khơi mào cho thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ địa chính trị kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Vào năm 2023, sự không chắc chắn xung quanh cuộc chiến và hậu quả của nó sẽ vẫn ở mức rất cao, với những tác động kinh tế và chính trị đáng kể trong khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh quân đội Ukraine có thể tiếp tục nhận được mức hỗ trợ tài chính và vật chất như cũ từ Mỹ và EU trong năm tới, nguy cơ về một cuộc chiến tiêu hao sẽ tăng lên nếu giao tranh tiếp tục kéo dài.
Mọi leo thang đáng kể trong chiến tranh đều có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, điều này cũng sẽ làm tăng tác động đối với nền kinh tế của các nước bị trừng phạt. Trong kịch bản này, nguy cơ bất đồng giữa Mỹ và EU về tốc độ và bản chất của các biện pháp trừng phạt có thể tăng cao. Quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong cuộc chiến cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của môi trường địa chính trị.
Trung Quốc và phương Tây tách khỏi nhau
Mối quan hệ giữa các cường quốc đã phát triển từ hệ thống cộng tác và hợp tác chồng chéo sang cấu hình mang tính lưỡng cực hơn, trong đó các nền kinh tế Mỹ và EU đang tách khỏi Trung Quốc và ngược lại. Vào năm 2023, Washington và Brussels có thể sẽ tiếp tục áp đặt các chính sách hạn chế mới một cách rõ ràng hoặc áp đặt nhắm mục tiêu hợp pháp vào Trung Quốc. Và Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục thay đổi các chính sách đối nội và đối ngoại để trở nên ít gắn kết hơn với các chuỗi giá trị phương Tây. Kết quả có thể là sự xói mòn đều đặn của kết nối kinh tế.
Washington có thể sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư mới nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng và hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ chiến lược. Tương tự, EU và các quốc gia thành viên cũng có thể sẽ tiếp tục áp đặt các hạn chế lớn hơn đối với đầu tư từ Trung Quốc vào các ngành công nghiệp trọng yếu. Brussels dự kiến sẽ sử dụng nhiều chính sách khác nhau trong “hộp công cụ phòng vệ thương mại” của mình - bao gồm giải quyết các khoản trợ cấp của nhà nước, tiếp cận thị trường và các vấn đề môi trường - để tạo ra cái mà họ coi là sân chơi bình đẳng hơn cho các công ty châu Âu so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó, đất nước gấu trúc có thể sẽ mở rộng các chính sách công nghiệp để đẩy nhanh nỗ lực tự chủ về công nghệ chiến lược, ưu tiên chất bán dẫn. Trung Quốc có thể cũng sẽ tìm cách mở rộng các mối quan hệ kinh tế quốc tế không phụ thuộc vào USD...
Các quốc gia dao động địa chính trị
Sự thay đổi đang nổi lên từ thế giới đa cực sang thế giới lưỡng cực tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với các cường quốc tầm trung trong việc liên kết với một khối địa chính trị. Một số sẽ tìm cách duy trì quan hệ với nhiều cường quốc toàn cầu và tối đa hóa đòn bẩy ngoại giao. Vào năm 2023, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút sẽ nằm trong số các quốc gia dao động địa chính trị có ảnh hưởng nhất, với tác động to lớn đối với các động lực liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Lập trường trung lập của Ấn Độ đối với cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ chịu áp lực ngày càng tăng. New Delhi sẽ tìm cách củng cố các liên minh, chẳng hạn như thông qua Bộ tứ Quad. Nước này cũng có khả năng sẽ tiếp tục giao dịch thương mại với Nga, đặc biệt là năng lượng hay mua hàng quốc phòng. Đồng thời, vai trò chủ tịch của G20 vào năm 2023 có thể cho phép New Delhi thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu về các vấn đề chính.
Brazil cũng sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, có khả năng tiếp tục quan hệ năng lượng với Nga trong khi can dự với Ukraine. Nói rộng hơn, việc ông Luiz Inácio Lula da Silva trở lại làm tổng thống có thể sẽ thúc đẩy sự tham gia của Brasilia vào các diễn đàn đa phương và khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, vì nước này vừa bán máy bay không người lái cho Ukraine, vừa phản đối một số biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngay từ trước khi xung đột nổ ra, chính quyền của Tổng thống Zelensky đã đầu tư trang bị cho quân đội nhiều máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, tư cách thành viên NATO cũng mang lại cho Ankara ảnh hưởng địa chính trị, chẳng hạn như thông qua ảnh hưởng của nước này đối với việc gia nhập thành viên mới vào liên minh.
Ảrập Xêút có thể sẽ tiếp tục rời xa mối quan hệ đối tác lịch sử với Mỹ. Riyadh sẽ có ảnh hưởng đặc biệt về mặt địa chính trị thông qua vai trò là nhà lãnh đạo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Xu hướng nền kinh tế tự cung tự cấp
Những diễn biến địa chính trị gần đây đã củng cố mục tiêu của nhiều Chính phủ trong việc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các quốc gia khác, đặc biệt là vào các đối thủ chiến lược và trong các lĩnh vực quan trọng. Đại dịch Covid-19, chương trình nghị sự ESG (môi trường, xã hội, quản trị), cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine và một loạt căng thẳng địa chính trị khác đã khiến nhiều chính phủ kết luận rằng, họ cần tự lực hơn nữa để tăng cường an ninh quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách tập trung vào khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023.
Củng cố các khối công nghệ
Trong những năm gần đây, cạnh tranh địa chính trị xung quanh khả năng tự cung tự cấp về kinh tế đã được ưu tiên tăng cường khả năng tự lực trong các công nghệ quan trọng. Vào năm 2023, công nghệ sẽ tiếp tục là lĩnh vực cạnh tranh địa chính trị chiến lược, với các chính sách có khả năng mở rộng thông qua các biện pháp kiểm soát đầu tư và thương mại mới. Những xu hướng này có thể củng cố thêm sự xuất hiện của các khối công nghệ phân mảnh và riêng biệt.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ nghiêm ngặt nhằm đối phó với cuộc chiến ở Ukraine của phương Tây đã ngăn cản Nga tiếp cận công nghệ của các thị trường phát triển. Mỹ, EU, Nhật Bản và các đồng minh của họ có thể sẽ hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn và phần mềm cần thiết để thiết kế chúng. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được công bố vào tháng 10.2022 thể hiện sự thay đổi cơ bản theo hướng chủ động kìm hãm sự tiến bộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Ngược lại, Trung Quốc sẵn sàng đáp trả bằng các luật liên quan đến kiểm soát xuất khẩu mới.
An ninh năng lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu
Chủ đề an ninh năng lượng đã vọt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách vào năm 2022, đặc biệt là ở châu Âu. Các Chính phủ đang theo đuổi đồng thời nhiều mục tiêu an ninh năng lượng, đôi khi không tương thích với nhau: độ tin cậy của nguồn cung, khả năng chi trả cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như tính bền vững của môi trường. Các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ khác nhau trong việc ưu tiên các mục tiêu này vào năm 2023, dẫn đến bối cảnh năng lượng toàn cầu phức tạp hơn.
Hầu hết các chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên độ tin cậy của nguồn cung cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và hoạt động kinh tế. Điều này sẽ bao gồm tìm kiếm các mối quan hệ thương mại năng lượng mới và mở rộng sản xuất năng lượng trong nước, bao gồm cả hydrocarbon (chẳng hạn như than đá) và năng lượng tái tạo. Một số chính phủ cũng sẽ hỗ trợ sản xuất năng lượng hạt nhân và đầu tư vào các công nghệ mới nổi, chẳng hạn như hydro xanh lá và xanh lam.
Mỹ Latin thiên tả
Các chính trị gia cánh tả gần đây đã được bầu làm tổng thống ở Brazil, Colombia, Chile, Bolivia và Peru, những chính phủ có ý thức hệ tương tự lãnh đạo ở Argentina và Mexico. Sự trỗi dậy của cánh tả phản ánh sự bất tín nhiệm đối với giới lãnh đạo trước đó vì "vỡ mộng" với các chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như những lo ngại lâu dài về kinh tế và quản trị. Vào năm 2023, áp lực gia tăng để giải quyết những vấn đề này sẽ trở nên phức tạp do những thách thức kinh tế và sự cạnh tranh địa chính trị gia tăng. Các nền kinh tế Mỹ Latin là những nhà sản xuất chính các mặt hàng nông nghiệp, vì vậy các lựa chọn chính sách của họ có thể ảnh hưởng đến động lực an ninh lương thực toàn cầu. Hơn nữa, họ cũng là những nhà cung cấp khoáng sản xanh quan trọng trên toàn cầu, bao gồm cả đồng và lithium.
Bên cạnh đó, môi trường địa chính trị sẽ vẫn phức tạp, khi Argentina tìm cách gia nhập nhóm Brazil - Nga - Ấn Độ - Trung Quốc - Nam Phi (BRICS), Colombia nối lại quan hệ ngoại giao với Venezuela và Mexico từ chối chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực.