Có nhiều thứ nhắc mỗi chúng ta nhớ về cội nguồn, về gốc rễ Việt Nam của mình như rau muống, đồ gốm, hay căn phòng kỷ niệm từ thời ông bà, hay những ô cửa sổ, hay những câu nói cửa miệng trong sinh hoạt hàng ngày như “ừ hứ”... Tất cả những điều đó được đưa vào văn học theo những cách riêng có của Eric Nguyễn, Vũ Ánh Dương và Đỗ Văn Hoàng.
Một điều tình cờ là các tư liệu được giới thiệu tiếp theo trong dự án Việt Nam của tôi: “Pretty Nails” (Eric Nguyễn), “Căn Phòng” (Vũ Ánh Dương) và “Cô-ca, rau muống, tỏi” (Đỗ Văn Hoàng) đều chia sẻ những câu chuyện của người Việt thế hệ thứ hai ở Mỹ và ở Việt Nam.
Đó là câu chuyện của cô gái trẻ người Việt thế hệ thứ hai tại Mỹ giao tiếp với người mẹ từng bị tổn thương trong chiến tranh về những đam mê của mình, trở thành một nghệ nhân gốm và có thể sẽ làm việc ở Việt Nam.
Đó còn là câu chuyện của một chàng trai Việt kiều Mỹ, từ bỏ cuộc sống ở Mỹ, học tiếng Việt và muốn “sống như một người Việt Nam”.
Và còn có câu chuyện của một chàng trai trẻ Việt Nam với tuổi thơ xê dịch theo cha mẹ và yêu thích trò mua co-ca bằng đồng xu đến mức quên lời mẹ dặn là phải mua rau muống, tỏi, ớt.
Họ sống với những vấn đề của thế hệ mình, hướng đến tương lai, đồng thời trên hành trình tìm kiếm gạch nối với thế hệ cha mẹ mình.
Trò chuyện văn học “Những câu chuyện của người trẻ Việt Nam - Mỹ” với sự tham gia của Tiến sĩ văn học Quyên Nguyễn, các tác giả Eric Nguyễn, Đỗ Văn Hoàng, Vũ Ánh Dương.