Rao bán công khai
Thời gian gần đây, tình trạng mua bán xe “ô tô lậu” vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Thâm nhập vào một nhóm chuyên về mua bán “xe lậu” trên mạng xã hội Facebook được biết, hằng ngày có hàng chục đến hàng trăm lượt người đăng rao bán các loại ô tô lậu có xuất xứ từ Lào, Campuchia. Điều đáng nói là các xe này đều không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào để lưu thông tại Việt Nam và đều được gắn biển số giả.
Đáng chú ý, các biển kiểm soát giả gắn trên “xe lậu” thường được làm theo kiểu “mẹ bồng con”, tức là các đối tượng sẽ làm giả một biển kiểm soát có thật của xe chính ngạch tại Việt Nam, xe chính ngạch này thường trùng thương hiệu, màu sơn, năm sản xuất với “xe lậu” để ngụy trang nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Mặc dù biết không phải xe chính ngạch nhưng do tâm lý ham rẻ, nhiều người dân vẫn tìm mua các loại xe này để phục vụ nhu cầu đi lại, thậm chí là dùng để kinh doanh vận tải. Giá bán của các loại “xe lậu” có nguồn gốc từ Lào, Campuchia này thường rẻ hơn từ 2 đến 4 lần so với giá trị hiện tại của xe.
Ghi nhận thực tế, tại một bài đăng quảng cáo rao bán “xe lậu”, một chiếc xe sang nhãn hiệu Porsche Panamera có nguồn gốc từ Lào đang đeo biển “mẹ bồng con” có giá chỉ hơn 500 triệu, trong khi giá trị thật của chiếc xe này ở dạng chính ngạch khi bán ở Việt Nam là vài tỷ đồng.
Tại một bài đăng khác, chiếc ô tô nhãn hiệu Mazda 6 sản xuất năm 2017 có nguồn gốc từ Lào đang đeo biển kiểm soát giả theo dạng “mẹ bồng con” được bán với giá chỉ hơn 200 triệu, trong khi đó, nếu là xe chính ngạch chiếc này có giá khoảng hơn 600 triệu. Ngoài mạng xã hội Facebook, trên các nền tảng như Zalo, Telegram cũng xuất hiện các hội, nhóm mua bán “xe lậu” gắn biển kiểm soát giả nêu trên.
Đặc biệt, để phục vụ cho việc lưu thông của những chiếc “xe lậu” này, nhiều đối tượng còn sẵn sàng làm giả và bán các loại giấy tờ giả như: đăng ký xe, đăng kiểm, tem đăng kiểm.
“Phạt nguội” oan, mất tiền dù xe không đi qua trạm thu phí
Chính từ tình trạng mua bán “xe lậu” đeo biển kiểm soát “nhái” theo biển kiểm soát có thật của các xe chính ngạch đã và đang dẫn đến những hệ lụy cho người dân. Từ vài năm trở lại đây, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường áp dụng công nghệ, xử phạt qua camera (phạt nguội), đã có rất nhiều trường hợp phải kêu cứu vì bị “phạt nguội” oan. Lý dó vì một số đối tượng gắn biển số giả giống với biển số xe thật của người dân, quá trình lưu thông bị dính “phạt nguội”, khi thiết lập hồ sơ, căn cứ trên biển kiểm soát, lực lượng chức năng thực hiện việc xử phạt với chính chủ đăng ký biển kiểm soát đó dù họ không phải người vi phạm.
Điển hình là trường hợp của Anh T.A (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội), anh T.A cho biết, tháng 6/2022, khi tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh, anh phát hiện thấy xe biển số 30E - 261.3x của mình liên tục vi phạm giao thông ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Đáng nói là trong thời gian trên, chiếc xe biển số 30E - 261.3x của anh T.A không đi đâu khỏi địa bàn thành phố Hà Nội. Anh T.A đã phải liên hệ với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An để cung cấp các video, hình ảnh, giấy tờ liên quan chứng minh xe biển số 30E - 261.3x của anh không đi ra đường trong thời gian hệ thống camera ghi nhận phạt nguội.
Qua trình báo của người dân, thời gian qua, lực lượng Công an đã làm rõ nhiều vụ việc đi “xe lậu” sử dụng biển kiểm soát giả như vụ phát hiện hai xe Porsche trùng biển số tại quận Hoàng Mai, vụ hai xe Mercedes trùng biển số tại quận Hà Đông.
Chưa dừng lại ở đó, kể từ khi áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng khi đi trên các tuyến đường cao tốc, nhiều người dân còn bất ngờ khi dù không điều khiển xe ô tô qua trạm thu phí vẫn bị trừ tiền tài khoản. Chỉ đến khi nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, sự việc mới được làm rõ là do các xe ô tô dùng biển số giả giống với biển số thật đã được đăng ký liên kết với tài khoản ngân hàng để trừ tiền tự động khi qua trạm thu phí.
Thông qua việc thu phí theo hình thức điện tử không dừng (ETC), Công ty CP Giao thông số Việt Nam đã phát hiện nhiều ôtô gắn biển số của xe khác để lưu thông qua trạm thu phí. Qua tra cứu trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe, trong các xe trên có ôtô không trùng đặc điểm (nhãn hiệu, màu sơn…); có xe trùng đặc điểm với xe gắn biển số đã được đăng ký (kể cả năm sản xuất), nên lực lượng chức năng phải xác minh làm rõ.
Xử nghiêm tình trạng “xe lậu” gắn biển số giả
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, việc sử dụng biển giả, dán, sửa biển số xe là hành vi cố ý không chấp hành các quy định trật tự an toàn giao thông. Để kịp thời phát hiện các trường hợp ô tô gắn biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, có dấu hiệu sử dụng xe nhập lậu… Cục Cảnh sát giao thông đã yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương thông qua các biện pháp nghiệp vụ tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp), việc sử dụng biển số xe giả lưu thông trên đường tránh nộp phí BOT, trốn “phạt nguội” gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Như trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn khiến người đi xe biển thật bị oan hoặc nhiều xe gắn biển giả đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… nhưng người có xe biển “xịn” lại bị gọi lên nộp phạt.
“Lực lượng công an phải thanh tra, kiểm tra để xem xe nào sử dụng biển giả, xe nào sử dụng biển thật. Với những xe sử dụng biển giả cần phải xử phạt kịch khung, đồng thời tạm giữ xe trong thời gian dài. Trường hợp sử dụng xe gắn biển giả gây hậu quả nghiêm trọng rồi bỏ trốn cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an khuyến cáo người dân không nên tìm mua các loại xe nhập lậu, xe dùng biển kiểm soát giả vì đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, trường hợp bị phát hiện có thể bị xử phạt nặng và tịch thu tài sản dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.